Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

Đền Quán Cháo

           Đền Quán Cháo nằm sát Quốc lộ 1A thuộc địa phận phường Tây Sơn, thành phố Tam Điệp tỉnh Ninh Bình. Đền Quán Cháo thờ Mẫu Liễu Hạnh.  Truyền thuyết cho rằng nơi đây là nơi Thánh Mẫu hiển linh giúp Vua Quang Trung lúc đưa quân ra dẹp quân Thanh.


Cổng Đền quán Cháo
      Đền còn có tên chữ là Chúc Sơn Tiên Từ (nghĩa là: Đền Tiên núi Cháo) thờ Liễu Hạnh Công chúa  Đền Quán Cháo thờ Mẫu Liễu Hạnh.

      Sự tích đền quán Cháo

      Đền Quán Cháo gắn liền với sự tích tiên nữ dâng cháo cho quân lính Tây Sơn trước giờ xung trận. Nói đến đền Quán Cháo, không thể bỏ qua chiến thắng Đống Đa của vua Quang Trung. Trận đại phá quân Thanh như một hào quang sáng rực trong lịch sử nước nhà. Di tích lịch sử đền Quán Cháo gắn liền với huyền thoại Thánh mẫu đã biến thành cô gái bán hàng cháo, để dâng cháo cho quân lính Tây Sơn và cứu giúp những người cơ nhỡ độ đường và ứng đối thơ phú với bao nhiêu tao nhân mặc khách. Đến nay trong dân gian còn truyền tụng câu ca đồng giao:
   "Ăn trầu nhớ miếng cau khô
 Trèo lên Ba dội nhớ cô bán hàng."
      Ngày 21-12-1788, sau khi lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung, ngài liền chỉ huy quân Tây Sơn hành quân thần tốc ra Bắc đánh đuổi 29 vạn quân Mãn Thanh, do Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị cầm đầu. Ngày 15-1-1789, quân Tây Sơn ra đến Tam Điệp phối hợp với quân Bắc Hà, do Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm chỉ huy. Trong 10 ngày (từ 15 đến 25-1-1789-tức từ 20 đến 30 tháng Chạp-Tết Mậu Thân) ngụ binh ở Tam Điệp và Bỉm Sơn. Theo truyền thuyết, trong những ngày này quân Tây Sơn được các tiên nữ dâng cháo thần, nhờ vậy nghĩa quân Tây Sơn thêm mưu trí, dũng mãnh chiến đấu, quét sạch quân xâm lược. Chỉ trong 5 ngày xuất quân, 5 đạo quân Tây Sơn đã đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh, đúng như những lời huấn dụ của Vua Quang Trung tại lễ thệ sư (lễ thề của các tướng sĩ) tại Thanh Hóa: "Đánh cho nó chích luân bất phản, đánh cho nó phiến giáp bất hoàn; đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” ( Tạm dịch: Đánh cho nó một chiếc xe để chạy về nước cũng không có/ Đánh cho nó một mảnh giáp cũng chẳng còn/ Đánh cho nó biết nước Nam anh hùng là có chủ)
     Đại thắng quân Mãn Thanh xâm lược, nghĩa quân Tây Sơn ca khúc khải hoàn về thăm Quán Cháo thì ngỡ ngàng không thấy các tiên nữ! Tỏ lòng thành nhớ công ơn của các tiên nữ, Vua Quang Trung truyền lệnh lập đền thờ nhớ ơn những người đã có công dâng cháo cho nghĩa quân. Từ đó, người dân trong vùng tương truyền: Ngọc Hoàng Thượng đế phái công chúa Giáng Tiên cùng 2 ngọc nữ là Quế Nương và Thị Nương xuống hạ giới ban phúc cho dân lành, nấu cháo giúp nghĩa quân Tây Sơn có thêm sức mạnh đánh đuổi quân xâm lược. Các tiên nữ bay về trời, nhưng vẫn thường theo dõi nhân gian, tạo phúc cho dân. Tin các tiên nữ sẽ luôn giúp đỡ những người khốn khó, bà con trong vùng khói nhang, khấn vái, xin lộc tiên…
     Nơi đây đang khôi phục lại lễ hội các tiên nữ dâng cháo, Vua Quang Trung mở tiệc khoản đãi hiền tài và khao quân, quân Tây Sơn đại thắng quân Mãn Thanh, Vua Quang Trung tạ ơn các tiên nữ…


Đền Dâu


     Đền Quán Cháo nằm trong cụm di tích Đền Dâu - Quán Cháo. Đền Quán Cháo cũng là nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh. Đền Dâu chỉ cách đền quán Cháo hơn 1 km. Đền Dâu cũng nằm sát đường quốc lộ 1A. Đền Dâu cũng gắn với sự tích hóa thân của thánh mẫu vào người con gái bản địa để dạy nhân dân trồng dâu nuôi tằm.
      Hai ngôi đền đều gắn bó với các truyền thuyết vừa hư vừa thực về sức mạnh và niềm tin của thiên nhiên vào cuộc sống con người, là minh chứng về vai trò của người dân Tam Điệp đối với nghĩa quân Tây Sơn trong chiến thắng Thăng Long lịch sử. Là cái gạch nối giữa cố đô Hoa Lư xưa với thủ đô Hà Nội.