Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

Đền thờ Cô Chín tại Hà Nội

       Đền Sòng Sơn Vọng Từ hay còn gọi là Đền Cô Chín toạ lạc ở số 35 phố Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, Quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

       Đền được coi là nơi thờ vọng của Cô Chín Sòng Sơn. 
       Sòng Sơn Vọng Từ cũng là nơi hiện nay đang lưu giữ bát hương của Miếu Hai Cô bên tường của Quốc Tử Giám xưa kia được chuyển về.
       Đây là một ngôi đền cổ, nhưng không rõ được xây dựng vào thời nào. Năm 1947, thực dân Pháp đã đốt phá ngôi đền. Năm 1949 - 1951, ngôi đền được xây dựng lại. Sau này, bị dân cư lấn chiếm nên ngôi đền còn lại một khuôn viên nhỏ hẹp.
       Tồn tại tới ngày nay, di tích đền Sòng Sơn còn bảo lưu được bộ di vật văn hoá - lịch sử khá phong phú, đa dạng với nhiều chủng loại và chất lượng khác nhau: 4 bức hoành phi, 3 bức cửa võng, chạm  rồng chầu, 1 long ngai chạm rồng thế kỉ XIX, 10 khám thờ, 37 pho tượng tròn. 
      Sòng Sơn Vọng Từ cũng là nơi yết lễ cho các đệ tử tại Hà Nội mến mộ Cô Chín Sòng Sơn khi không có hoặc chưa có dịp vào Thanh Hóa lễ Cô.
   

Đền Cô Bé Xương Rồng

       Đền Xương Rồng, hay còn gọi là Xương Long Tự. Đền tọa lạc tại tổ 8, khu phố 3, phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên.
      Đền Xương Rồng là nơi thờ chính của Cô bé Xương Rồng. Vì vậy ngôi đền còn được gọi là Đền Cô Bé Xương Rồng. Đền Xương Rồng còn là nơi thờ Dương Tự Minh (còn gọi là Đức Thánh Đuổm). 
      Đền có phối thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh và Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.


     Theo phong thủy ngôi đền ngôi đền nằm ở vị trí linh thiêng, như trên lưng của một con rùa và đầu hướng về mặt trời, và xung quanh có dòng nước bao bọc.
      Khuôn viên của Xương Long Linh Từ rộng và thoáng, có nhiều cây cổ thụ soi bóng tỏa mát. Đặc biệt, trong khuôn viên có một cây bồ đề to, tỏa bóng mát hàng trăm năm qua.
      Năm 2014, nhà Đền Xương Rồng đã cho đúc chuông và tượng Vua Cha Ngọc Hoàng để bố sung cho không gian thờ tự.

Thần tích về Cô bé Xương Rồng 

      Xưa kia có đôi vợ chồng nghèo sống bằng nghề thuốc nam, đã nhiều năm trôi qua nhưng họ vẫn chưa có con. Một hôm, người vợ vào rừng hái thuốc và gặp tiên ông. Tiên ông cho người vợ một vật bảo rằng, hãy mang về chôn ở đầu giường, thì điều thiêng sẽ linh ứng. Quả nhiên, người vợ có mang sau 12 tháng sinh ra một bé gái xinh xắn. Cô bé thông minh giỏi giang, 9 tuổi đã cùng cha mẹ lên núi hái thuốc và chữa được nhiều bệnh lạ mà cha mẹ cô không chữa được.


       Cha mẹ cô bé đột ngột qua đời, cô bé sống một mình và tiếp tục hái thuốc nam chữa bệnh cho mọi người. Thông minh lanh lợi, giỏi y thuật, cô bé được nhân dân trong vùng tôn là nữ thần y. Trong một đêm giông bão, ngôi nhà cô ở đã cùng cô biến mất mãi mãi, chỉ còn lại một cây lạ mọc trên nền đất cũ. Trên cây ghi lại di thư rằng: “Ta là con Thánh Mẫu Thượng Ngàn đầu thai xuống giúp chữa bệnh cho dân, giờ ta ban cho dân cây thuốc quý này”.
     Lúc này, quân sĩ do tướng Dương Tự Minh triều nhà Lý bị mắc bệnh lạ mà mọi thần y đều không có khả năng đoán chữa bệnh. Trong giấc mơ, Dương Tự Minh đã thấy có người mách, hái cây thuốc quý nấu thành nước cho quân sĩ uống thì sẽ tiêu tan bệnh. Quả nhiên bệnh đã hết, sau khi đánh thắng giặc về ông cho lập đàn tế lễ. Từ đó trở đi nơi thờ tự cô bé được gọi là Xương Long Linh Từ.

Dương Tự Minh là ai

      Ông là người Tày, quê ở Quan Triều, Thái Nguyên.  Năm 1143, Ông được triều đình nhà Lý phong làm Thủ lĩnh phủ Phú Lương (bao gồm đất đai tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, một phần tỉnh Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hà Nội ngày nay). 


      Dương Tự Minh có công tiêu diệt giặc Tống (năm 1148), có công tiêu diệt phản loạn bảo vệ nhà Lý (năm 1150). Vì vậy, Ông đã vua Lý gả cho hai nàng công chúa là Diên Bình và Thiều Dung.
     Dương Tự Minh là nhân vật lịch sử có thật (Phò mã nhà Lý) có nhiều công lao với mảnh đất Thái Nguyên và triều Lý. Sau khi mất ông được nhiều triều đại phong kiến Việt Nam ban sắc phong là Thượng đẳng thần. 
     Đền Đuổm dưới chân núi Đuổm, thuộc xã Động Đạt, Huyện Phú Lương, Thái Nguyên nơi thờ tự chính của ông. Tương truyền đó là quê hương của ông, và cũng chính là nơi mất của Ông.

Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Đền Trung Tả - Khâm Thiên

         Đền Trung Tả giữa một vùng dân cư đông đúc của ngõ Trung Tả, phố Khâm Thiên, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là ngôi đền  thờ bà Quang Thục Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ của vua Lê Thái Tông. 




     Cùng khuôn viên đền Trung Tả là ngôi đình thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đình và Đền Trung Tả tạo nên một quần thể đền đình của phố Khâm Thiên.
      Đình đền Trung Tả có từ thời Hậu Lê.
     Hiện nay, Đền Trung Tả  còn giữ được nhiều di vật quý, trong đó có tượng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao cùng nhiều bức đại tự, ca ngợi công đức của bà.
      Ngoài việc thờ tưởng niệm những nhân vật lịch sử dân tộc, quần thể di tích còn có 12 pho tượng Phật và tượng các anh hùng văn hóa có niên đại từ thế kỷ 17 đến những năm đầu thế kỷ 20.

Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao là ai

       Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao là người Thanh Hóa. Bà xuất thân từ một gia đình quyền quý.
       Cha bà là Ngô Từ, khai quốc công thần của nhà Lê, giữ vai trò cung cấp quân lương trong những ngày đầu khởi nghĩa Lam Sơn. Mẹ bà là Đinh Thị Ngọc Kế, từng được triều đình tặng Ý Quốc Thái phu nhân. 
      Bà từ nhỏ mồ côi mẹ, được bà ngoại nuôi. Năm 1436, khi 14 tuổi,  bà được tuyển vào cung.  Năm 1440, bà được chồng là vua Lê Thái Tông phong Tiệp dư.
      Năm 1460, Lê Thánh Tông lên ngôi. Lê Thánh Tông tôn mẹ làm Hoàng thái hậu.
       Bà thường về ở Đông Triều, ăn chay niệm phật.
       Hoàng Thái hậu qua đời khi 75 tuổi.  Lê Thánh Tông đau buồn, truy tôn bà làm Quang Thục hoàng thái hậu. Về sau, Thụy hiệu của bà đầy đủ là Quang Thục Trinh Huệ Khiêm Tiết Hòa Xung Nhân Thánh hoàng thái hậu.