Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Sự tích Mẫu Thượng Ngàn qua văn Diệu Tín Thiền Sư

     Diệu Tín Thiền Sư là ai

      Theo ý kiến của tác giả Đồng Âm và quan điểm của Thày Trần Văn Hải - Thủ nhang đền Bồng Lai Hòa Bình - Một người am hiểu sâu sắc về Đạo Mẫu thì Động Sơn Trang thờ 3 Vị chúa Mường như sau:
        - Sơn Trang Đệ Nhất: Thanh Sơn Đại Vương Bạch Anh Quản Trưởng Sơn Lâm Công chúa Lê Mại Đại Vương.
        - Sơn trang Đệ Nhị: Diệu Tín Thiền Sư La Bình Công chúa.
        - Sơn Trang Đệ Tam: Diệu Nghĩa Thiền Sư Quế Hoa Công chúa
      Như vậy, theo quan niệm này Diệu Tín Thiền Sư chính là Đệ Nhị Sơn Trang hay Đệ Nhị Chúa Mường. Tuy nhiên, căn cứ theo các thần tích của đền Đông Cuông, của Đền Suối Mỡ, đền Bắc Lệ thì Mẫu Thượng Ngàn có 3 hóa thân:
         - Lâm Cung Thánh Mẫu: Hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn tại đền Đông Cuông. Lâm Cung Thánh mẫu đã được vua Lê Lợi phong là Lê Mại Đại Vương.
         - La Bình Công Chúa: Hiện thân Mẫu Thượng Ngàn tại đền Bắc Lệ
         - Quế Hoa Công Chúa: Hiện thân Mẫu Thượng Ngàn tại đền Suối Mỡ
       Thì chúng ta có thể coi Diệu Tín Thiền Sư chính là 1 trong 3 hóa thân của Mẫu Thượng Ngàn trong Động Sơn Trang. Nói cách khác Động Sơn trang thờ tam vị chúa Mường và cả ba vị đều là hóa thân của Mẫu Thượng Ngàn.
             ( Xin xem thêm bài: Mẫu Thượng Ngàn là ai)


Đền Hạ Suối Mỡ

       Thần tích của Diệu Tín Thiền Sư qua văn hầu

       Như vậy, Diệu Tín Thiền Sư chính là tên gọi khác của Chúa Đệ Nhị Sơn Trang, một hóa thân của Mẫu Thượng Ngàn. Có thể coi tên Diệu Tín Thiền Sư là tên gọi của bà sau khi bà đắc đạo chân tu nhà Phật. Tại đền Đông Sơn nằm gần đền Bồng Lai Hòa Bình có lưu giữ một bản văn chầu về Diệu Tín Thiền Sư (Tài liệu do Thủ Nhang đền Bồng Lai Thượng Cao Phong - Hòa Bình Trần Văn Hải cung cấp).
       Diệu Tín Huyền Sư nơi đây còn được gọi là Cao Sơn Thần Nữ tức Nữ thần của núi Cao Sơn và bà cũng chính là Bà Chúa Sơn Trang. Chính nơi đây Diệu Tín khi còn nhỏ được phong là Sơn Tinh Công Chúa.
       Mẫu Thượng Ngàn có nhiều thần tích với tên gọi La Bình Công Chúa, Quế Hoa Công Chúa, Lâm Cung Thánh Mẫu, Lê Mại Đại Vương, Diệu Tín Thiền Sư....Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến thần tích về Mẫu dưới tích của Diệu Tín Thiền Sư qua văn hầu.
      Theo văn hầu, bà xuất thân từ dòng họ Hà, một dòng họ trâm anh, hào kiệt. Ngay từ khi mới sinh bà đã có tướng hổ nhi khác đời:
" Dòng họ Hà xưa nay hào kiệt
Ứng mộng thần mãn nguyệt hoa khai
Sinh ra một đấng kì tài
Nữ nhi hổ tướng khác đời xưa nay".
     Khi bà lớn lên bà đã bỏ trốn mẹ cha vào rừng để tu luyện. Nơi bà tu luyện là một hang sâu. Những lúc bà tu luyện, sơn thần, long hổ thường xuyên về chầu.
Bỏ vô miền hang hổ rừng sâu
Huyền vi ai biết cơ mầu
Sơn thần, long hổ về chầu hai bên.
      Với 3 năm tu luyện với ơn chăm sóc của muông thú bà cũng đã dư sức lược thao:
Ơn hổ mẫu ngày đêm dưỡng dục
Ba thu tròn dư sức lược thao
Tuyết sương đã nhuộm má đào
Tắm mưa, sưởi nắng sớm chiều sông pha
         Mười năm gian nan tu luyện đắc đạo, cũng là lúc giặc giã nổi lên cướp phá, Sư Tổ cho bà xuống núi cứu dân và báo hiếu cho cha mẹ. Chỉ trong chớp nhoáng giặc giã đã bị Diệu Tín đánh tan. Mọi người mới gạn hỏi danh tính. Diệu tín thưa:
Rằng: “tôi ở chốn Sơn Tinh
Sống nơi hang hổ một mình đã lâu
Ơn lão tổ theo thầy học đạo
Mười thu tròn thụ giáo tiên qua
Sót đời binh lửa can qua
Thầy cho xuống núi để mà cứu dân
Tìm cha mẹ báo ân cực dục
Sau vì đời ngang dọc ra tay”
        Kỳ ngộ thay, bà đã gặp được cha mẹ đẻ trong trong đoàn chạy giặc mà đã được Ngài cứu. Cha mẹ Diệu Tín đã nhận ra con bởi một vết son đỏ nơi tay. Cha con, mẹ con, mừng mừng tủi tủi:
"Nghe qua hổ tướng dãi bầy
Ông bà như dại, như ngây bồi hồi
Rơi nhọc lệ nhìn Người sửng sốt
Dấu son in đỏ chót bên tay
Con ơi! Cha mẹ còn đây
Xót thương con trẻ tủi thay lòng già".
Gặp con quá ư bất ngờ đã khiến ông bà, nỗi mừng khôn xiết đã khiến ông bà hồn lìa cõi tục:
Nghe qua hổ tướng dãi bầy
Ông bà như dại, như ngây bồi hồi.....
Nói thôi bỗng hồn lìa cõi tục
Hai thân đều giá hạc xa băng
Ai xui nổi sóng đất bằng
Khách tiên phút bỗng dưng dưng lệ trào.
        Nỗi đau vừa xa cách bao lâu để rồi gặp gỡ chưa kịp hỏi han, chưa kịp báo hiếu đã vội chia lìa đã khiến lòng Nàng nát tan. Trời bỗng nổi phong vân pháp vũ để Sơn thần đưa thân xác phụ mẫu và Nàng về nơi thẳm sâu tiếp tục tu luyện để đạo hiếu cùng được vẹn tròn. Nơi đây, Nàng đã đắc đạo và được phong là: Diệu Tín Thiền Sư". Nghe danh Diệu Tín văn võ song toàn, các đấng anh linh kéo về hội tụ dưới trướng của Diệu Tín: 

Bầu tiên dược ra tay cứu thế
Võ thần thông khí nhuệ tinh anh
Triệu thần Lục Giáp, Lục Dinh
Tề Thiên, Độc Cước, Công Manh, Huyền Đàn
Triệu các bộ Sơn Trang - Mường Mán
Ngự trên mình bạch tượng, thiên sư
Chúa Mường đắc đạo chân như
Sắc phong: “Diệu Tín Thiền Sư” anh hùng
Chúa Diệu Nghĩa hô phong hoán vũ
Mời Kim Cương - Bát Bộ tùy thân
Sừng Sỏ Sắt, tướng Tam Danh
Thiên triều Bắc Quốc, Đại Minh hội đàn
Mời Thổ Địa, Đại vương Trần Huệ
Lệnh Thành Hoàng Cảnh Vệ - Đương Niên
Nhập đàn hộ hấp thiên cương
Bổ vây lưới sắt bốn phương hộ đàn
Thỉnh Tám tướng Sơn Trang các bộ
Độ Trịnh, cùng Đỗ Bích, Đỗ Trung
Đỗ Trương, Đỗ Triệu, Đỗ Công
Đỗ Cường, Đỗ Dũng anh hùng ai đang.

          Hang động nơi Diệu Tín đóng ngự đâu chỉ đông đúc các thánh nhân, kỳ tài mà còn là "Chốn Bồng Lai tiên cảnh" với muôn ngàn muông thú cũng về quy ngự trong ngàn hoa rừng thơm ngát:

Bên thạch động phong lan đua nở
Đỉnh trầm hương Chúa ngự tòa sen
Phượng hoàng bách điểu ca vang
Gió thông réo rắt tiếng đàn tơ-rưng
Loài bách thú: hổ, hùm, tê giác
Voi chín ngà quỳ rạp bên non
Vượn dâng hoa ngát cỏ thơm
Cá vàng, cá bạc chầu lên muôn ngàn...

      Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Diệu Tín đất nước an hưởng thái bình,nước non xuân lại hồi xuân, mở ra một kỷ nguyên hạnh phúc:
Trong Bích Động quần tiên hội nghị
Đức Chúa Mường phụng chỉ tiên cung
Mừng người đắc thọ thần thông
Ân chiêm pháp vũ, ruộng đồng nở hoa
Trước điện ngọc cầm ca mấy khúc
Dâng lên Người giáng phúc lưu ân
Nước non xuân lại hồi xuân
Trẻ già trăm họ nhân dân nức lòng.
        
      Có lẽ vì công lao to lớn của Diệu Tín Thiền Sư đã được người đời phong là Đệ Nhị Chúa Mường hay Đệ Nhị Sơn Trang và sau này khi hình thành Đạo Mẫu với thần chủ là Mẫu Liễu Hạnh thì Bà đã trở thành một hóa thân của Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn và bà vẫn cai quản 81 của rừng nơi chốn rừng xanh. 
      Một chi tiết khác rất thú vị là những ngày bà tu luyện trong bích động là hang hổ: "Rằng tôi ở chốn Sơn Tinh/ Sống nơi hang hổ một mình đã lâu...". Những ông hổ, bà hổ nơi Diệu Tín tu luyện được coi là Hổ Phụ, Hổ Mẫu  bởi có công nuôi nấng, chăm sóc Diệu Tín  nên mới có câu: "  Ơn hổ mẫu ngày đêm dưỡng dục..."  . Không biết có phải thế chăng mà trong Tứ Phủ ngày nay có ban thờ Quan Ngũ Hổ?

   

  ( Xin chân thành cảm ơn Thủ nhang Đền Bồng Lai Hòa Bình Trần Văn Hải đã giúp đỡ tôi tư liệu viết bài viết này)