Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

Hầu đồng: Sự linh ứng hay buôn thần bán thánh

      Lời ban biên tập: Hầu đồng ngày càng xa rời giá trị thực trong sáng vốn có. Chúng tôi xin lược trích ý kiến của Đại Đức Thích Minh Thông (chùa Hoàng Xá) đăng trên báo điện tử Ban Tôn Giáo Chính Phủ về vấn đề hầu đồng hiện nay để các bạn tham khảo.

       Lên đồng được bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Mẫu (chúa Liễu Hạnh), hoặc thờ Thánh (Đức thánh Trần). Theo tôi, nhân tố tác động mạnh nhất đến hoạt động lên đồng đó chính là niềm tin của con người vào thần thánh và khả năng tiếp xúc giữa con người với thần linh. Ngoài ra, những yếu tố mang tính kích thích tại buổi hầu đồng như tiếng trống, tiếng kèn, âm nhạc, lời ca và sự cuồng nhiệt của các con nhang cũng tạo nên trạng thái biến đổi ý thức của người hầu đồng.


       Một giá đồng thực sự, hoàn toàn là sinh hoạt văn hoá mang hình thức tâm linh chứ không mang màu sắc "dị đoan". Song, đáng tiếc là khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nét văn hóa này đang bị lạm dụng, biến đổi thành hình thức mê tín dị đoan, thậm chí là cuồng  tín. 
      Những người hầu đồng ngày nay thường ngộ nhận về khả năng của mình để rồi vô tình đã mượn khẩu thần linh để phán xét, hù dọa, quở trách con nhang, đệ tử khiến họ lo sợ. Nhiều người khi bị ốm đau, bệnh tật, làm ăn lụn bại thường đi xem bói và khi “thầy” bói phán rằng: Bị cô hành, “căn đồng số lính”, Mẫu hành, thánh trách phạt... phải đi lễ, phải trình đồng mở phủ, phải hầu đồng. Thậm chí có “thầy” bói còn phán rằng, nếu đến ngày này, tháng kia mà không trình đồng mở phủ thì sẽ bị chết.
       Tôi từng chứng kiến nhiều người “sống dở, chết dở” chỉ vì nghe lời “thầy” bói mà đi vay nặng lãi để theo hầu đồng. Chính những sự biến tướng này đã làm mất đi nét văn hóa của hầu đồng, làm mất đi sự thanh cao của tín ngưỡng thờ Mẫu. Hầu đồng, hầu thánh ngày càng bị biến tướng và lãng phí. Có không ít lễ hầu đồng chi số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra 50 triệu, 70 triệu đồng mua hàng mã làm lễ, để đốt hầu thánh. Nhưng bảo họ bỏ ra 5.000, 10.000 đồng giúp người nghèo thì họ lại thấy tiếc.


      Tôi cho rằng, đã là thần thánh, đã là Mẫu thì không bao giờ hù dọa, quở mắng, trách phạt “người trần” mà chỉ ban phúc lành, che chở cho nhân gian. Và, hoạt động lên đồng chính thống không bao giờ mang màu sắc mê tín, dị đoan. Chắc chắn sẽ không có thánh thần nào nhập vào “người trần, mắt thịt” rồi phán phải làm cái này, cái kia thì mới thôi đày đọa.
        Đi lễ, hầu đồng cũng phải có tri thức, trí tuệ. Không phải, cứ nhìn thấy Phật là lạy, thấy Mẫu là vái, thấy vua chúa là cầu xin... Phải hiểu, thánh thần là ai, Mẫu là ai, hầu đồng là gì, chứ không phải cứ sì sụp khấn vái, đi hầu Mẫu thường xuyên, đốt nhiều hàng mã, vung tay nhiều tiền để mua đồ cúng bái mới thể hiện sự thành tâm. Phật ở trong tâm của mỗi người, biết nghĩ, sống tốt, biết yêu thương và đùm bọc lẫn nhau mới thật sự là thành tâm và mới sống yên ổn được.
        Theo CL- PH (NDT)