Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

Hầu đồng: Đồng tiền có gai mà thánh có mắt

     Lời ban biên tập: Đạo Mẫu vốn trong sáng, nhưng vấn nạn biến tướng của hầu đồng đang làm vấy bẩn ngôi nhà của Mẫu. Chúng  tôi xin lược đăng bài viết " Đồng tiền có gai và thánh có mắt" của bạn Mỹ Trân đăng trên báo An Ninh Thế Giới để các bạn tham khảo. 

Hầu cũng dăm bảy loại… đồng

      Chả biết tự bao giờ người ta lại có một loại thuật ngữ để phân biệt ra những thanh đồng (người ra hầu đồng) thành "đồng sang" (đồng giàu), "đồng nát" (đồng nghèo), "đồng đua", "đồng đú" hay thậm chí cả "đồng non" (đồng trẻ tuổi) với "đồng già" (đồng nhiều tuổi)… 
       Kể cũng lạ, tưởng thế là hết rồi, vậy mà mới đây một nghệ sĩ hát văn nức tiếng, anh cũng hay ra hầu đồng bảo giới hầu đồng có nhiều tên gọi khác nhau cho những thanh đồng như đồng khôn, đồng giỏi, đồng điên, đồng rồ, đồng hâm, đồng rởm…


       Giới hầu đồng giờ đây lắm lúc thật như là một cái chợ hỗn tạp mà ở đấy có đa dạng người từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, từ người trẻ tuổi đến người già, với nhiều tính cách khác nhau.
       Những thanh đồng có tài chính khá giả, lập đàn dâng lễ mâm cao cỗ đầy, cầu kì kén chọn ban hát văn phải là những người có tiếng, hay đến khi những thanh đồng lên đồng, nhịp nhàng động tác uyển chuyển có hồn, được kính trọng yêu quý thì được gọi là đồng sang, đồng giàu.
       Đồng ít tiền, kinh tế còn eo hẹp, dâng đàn lễ tùng tiệm, sơ sài người ta gọi là đồng nghèo, đồng nát. Người ra hầu đồng đủ các lứa tuổi, chỉ cần mở trên mạng xã hội thì người ta thấy có nhiều em bé chỉ 5, 6 tuổi đã ra hầu đồng, hay những thanh thiếu niên 9X ra hầu được gọi là đồng non. Thanh đồng nhiều tuổi, tóc bạc da mồi, hay có thâm niên lâu năm ra nhập đồng gọi là đồng già.
       Đồng khôn ăn nói chừng mực, tỉnh táo. Đồng rồ, đồng hâm, đồng điên, đồng dại, bốc đồng một tấc lên đến trời cao, có hành động cử chỉ lời nói khác thường trở thành dị thường. Đồng rởm là không hiểu về đạo tam - tứ phủ, không am tường về đạo Mẫu nhưng vẫn ra hầu đồng.
      Thế còn tại sao lại còn gọi là đồng đua, đồng đú? Theo như giải thích của những thầy đồng (mở phủ và hướng dẫn thanh đồng vào những ngày đầu tiên ra hầu đồng) thì người ra hầu đồng phải có căn, có cốt chứ không có căn cốt mà thấy người ta hầu đồng mình cũng đi theo để hầu đồng, ra hầu đồng chỉ để cho vui, cho oai thì gọi là đồng đua, đồng đú.
      Và có vẻ như xã hội càng phát triển thì người ra hầu đồng lại càng nhiều như nêm cối thế. Mỗi năm đến mùa xuân thu nhị kì, vào đầu năm bắt đầu từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch và cuối năm vào từ tháng  8 đến hết tháng 12 âm lịch hầu đồng gọi là trả lễ.

"Căn đồng số lính"

      GS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết: "Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ của người Việt, hạt nhân là hầu đồng, một thời bị coi là mê tín dị đoan xóa bỏ, bây giờ đã được Nhà nước nhìn nhận đúng, nhưng hiện nay cũng bị biến tướng nhiều. Nhiều người lợi dụng để kiếm tiền trục lợi chuyện hầu đồng. Hầu đồng có hai loại. Một là người có căn quả, người ta gọi là "người có căn đồng số lính" họ phải ra trình đồng thì họ mới sống được, còn bây giờ có một dạng nữa mà dân gian gọi là đồng đua, đồng đú, đó là hiện tượng ra đồng để giải tỏa những dồn nén của kinh tế thị trường xã hội hiện đại".


        Đúng như những gì Giáo sư Ngô Đức Thịnh, người đã cả đời dành tâm huyết về đề tài khoa học, đạo Mẫu trong tín ngưỡng thờ cúng của người Việt đã nói, có một nghệ sĩ là diễn viên chèo, anh hát văn hay nức tiếng trong giới hầu đồng kể: Người ra đồng thì đủ cả, người làm ăn thua lỗ, muốn kiếm được lời họ cũng ra đồng để mong thánh thiêng, thánh ban lộc phát tài.
       Người lấy vợ, gả chồng lâu năm, thuốc nam thuốc bắc, chữa đông tây kim cổ, thụ tinh nhân tạo mãi từ bệnh viện Từ Dũ, Thành phố Hồ Chí Minh cho đến bệnh viện Phụ sản Hà Nội không có được mụn con nào cũng ra hầu đồng, mong thánh thương thánh giúp cho nhà thêm con, thêm cháu.
       Người cầu quan, cầu chức, cầu lộc, cầu tài cũng muốn ra hầu đồng. Người kinh doanh thích mua một bán mười, mua may bán đắt cũng ra hầu đồng trình thánh để xin lộc rơi lộc vãi. Hay người cao số khó lấy chồng, lấy vợ cũng bắc ghế ra hầu đồng xin thánh. Thậm chí người chẳng làm sao chỉ muốn khoe mình lắm của nhiều tiền, múa giỏi, lễ hay cũng hầu đồng ở đền to, phủ lớn…
       Trong kì Hội thảo "Bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ phủ của người Việt" ở Hải Phòng, cậu đồng Nghĩa nức tiếng trong giới mở đồng ở miền Bắc cho biết: 
       "Hầu đồng ai cũng muốn oai, oai cái gì và oai đến đâu. Oai phải là phong thái lên đồng"
       Các cụ bảo: "Đồng khôn bóng ngoan, đồng sang bóng lịch sự". Lịch sự không phải là nhiều tiền, lịch sự là cung cách biết xử sự, thánh (người hầu đồng) biết cho ai trước ai sau, thánh biết nghe hát nghe văn thế nào. Đấy là lịch sự. Chứ bây giờ lên đồng lại cứ nhảy loạn lên bảo tôi sang, tôi nhiều tiền thì không phải. Bây giờ các vị đồng đền rất nên cho ai ra đồng và không nên cho ai ra đồng. Vì đồng bây giờ người ta chả làm sao, thua cờ bạc nó cũng ra đồng?
      Hồi xưa các cụ bảo "Sạch sành sanh mới được anh áo đỏ". Không ốm đau, không điên rồ làm sao ra đồng? Không chiêm bao báo mộng làm sao mà ra đồng? Nhà tôi một năm mở phủ có 200 người. Ba năm nay tôi chỉ mở phủ có 40 người. Tôi chả mở nhiều. Mở nhiều làm gì?! Nó cờ bạc, lô đề, bóng bánh, nó thua nó lại bảo thánh không thiêng rồi nó lại đi thay thầy khác, thế thì hơi đâu mà mở? Có người đến gặp tôi nằng nặc: "Con phải ra đồng".
       Tôi can: "Không có căn có mạng con ạ, chờ ba năm sau hãy ra đồng". Ba năm sau người ta làm ăn được thì ra đồng, không làm ăn được thì họ bỏ. Bây giờ ông đồng bà đồng nào cũng thích đi mở phủ kiếm được vài triệu bạc cứ tưởng là to thì tự nhiên mất tiếng của thánh đi, lại không đúng. Tôi kính mong nhất các vị đồng đền, các vị thủ nhang, các vị thanh đồng giữ làm sao chấn chỉnh việc hầu thánh".
      Nhớ lại lời của GS Ngô Đức Thịnh, ông bảo: "Không có tín ngưỡng nào trên đời này dạy con người làm những điều xấu xa, chỉ có con người lợi dụng nó cho những mục tiêu xấu xa. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó, ở đâu đó thì hầu đồng đang bị biến tướng, nhiều người lên đồng vì những lợi ích vật chất, và sự biến tướng này có nguy cơ trở thành môi trường kiếm tiền, làm giàu, trục lợi…"


Phú quý sinh lễ nghĩa

       Để tổ chức một buổi hầu đồng thời gian kéo dài khoảng từ 3 đến 6 tiếng tùy giá hầu nhiều hay ít. Và cũng tùy túi tiền của gia chủ để làm lễ to hay lễ nhỏ, lễ mâm cao cỗ đầy, hay lễ sơ sài đơn giản. 
      Ông Đạt, một cung văn đi hát hầu đã sáu, bẩy năm kể lại: Ngày trước ông đi làm cung văn cho những người lễ hầu dâng thánh, có gặp một bà cụ tuổi ngoài 70 tuổi ở Lạng Sơn kiếm sống bằng mở quán nước chè, thu nhập cả ngày được dăm chục một trăm. Hàng ngày trừ khoản tiền sinh hoạt ăn uống mỗi ngày, bà tiết kiệm để mỗi năm bà hai vấn hầu, đầu năm và giữa năm.
      Ông Đạt bảo: "Bà lão tuy nghèo nhưng hát để cho bà hầu rất thích vì bà rất am tường lời thơ trong văn hầu các giá. Bà hiểu và thuộc hết tích của các vị thánh trong những giá hầu. Bà lại nhập đồng múa dẻo và hưng phấn nên những người hát văn như ông gặp người hầu như thế như cá gặp nước, cảm thấy vô cùng hưng phấn nên tiếng hát văn cũng vì thế mà du dương trầm bổng sâu lắng hay hơn rất nhiều".
      Ông Đạt kể, trong những lần làm cung văn cho những người nhà giàu nhưng họ lại có những yêu cầu lạ lùng. Chẳng hạn như họ đề nghị mấy anh cung văn đưa đẩy thêm tí quan họ cho luyến láy sôi nổi, hào hứng?! Hay giá cô Bơ buồn lại mong cung văn hát vui cho cô đỡ sầu, đỡ tủi. Với khổ chủ như vậy thì những người như ông Đạt đôi lúc phải ngậm bồ hòn làm ngọt, ngậm ngùi đồng ý cốt để kiếm chỗ đi lại. Làm hôm nay còn có bữa ngày mai.


      Ông Đạt nói: "Làm cung văn cũng cơ cực chẳng đã, làm nghề này như làm dâu trăm họ, không để thanh đồng phật ý, thanh đồng phật ý đưa ít tiền cho cung văn, thanh đồng đắc ý sẽ thưởng cho cung văn lắm lộc, nhiều tiền...".
      Đúng vậy, như mắt thấy tai nghe ở khắp các đền các phủ: Đồng giàu vung tiền không tiếc, gọi là cơn mưa lộc lá, những tờ tiền mới tinh thơm phức mệnh giá 200 nghìn, 500 nghìn được thanh đồng xòe ra tung rải không tiếc tay. Đồng nghèo tờ 500 đồng "con", cả những tờ tiền cũ mới lẫn lộn, được nâng lên hạ xuống một cách tùng tiệm, dè xẻn. Đồng giàu ngút ngát vàng mã hương hoa đẳng vật linh đình. Đồng nghèo tùng tiệm, giản đơn. Đồng giàu trang phục cầu kì, gấm lụa Hàng Châu, kĩ lưỡng thêu tay họa tiết cầu kì tinh xảo. Người xe, ngựa, voi vàng mã dựng kín ngoài sân. Đồng nghèo tâm thành lễ mọn, áo quần đi mượn hoặc qua loa đại khái, nhàu nhĩ cũ kỹ. Người ta cứ nghĩ hầu thánh sẽ được ban lộc phát tài, lợi dụng lòng tin của người dân mà không ít các thầy đồng cứ khuyên nhủ các con nhang đệ tử, phải ra hầu đồng, trình đồng dâng thánh. Rồi không ít các thầy đồng bà cốt giả làm thánh nhập về phán nọ, phán kia; tất cả cũng chỉ là mượn oai thánh thần, trục lợi kiếm tiền.
        Mỗi lần khăn tay, khăn áo, trà thuốc, hoa quả lễ vật lòng thành như vậy ít nhất cũng tốn kém dăm bẩy triệu, nhiều thì vài chục triệu, hoặc nhiều nữa thì vài trăm triệu, thậm chí cả tỉ. Nếu dùng tiền tiết kiệm, tiền chính đáng gọi là những đồng tiền mồ hôi nước mắt, đồng tiền sạch để hầu thánh thì cũng không sao nhưng không ít người vay mượn, hay tiền từ buôn lậu, trốn lậu thuế, tiền sang đoạt, tiền tham ô, tham nhũng, tiền lừa đảo để trình đồng dâng thánh để rồi nhà tan cửa nát, sạt nghiệp, cả mất mạng cũng không phải là hiếm.
        Tất cả đều bắt đầu khởi từ tâm của con người. Nói như nghệ sĩ chèo Xuân Hinh, đồng thời anh cũng là một nghệ nhân hát văn, thì "đồng tiền có gai, mà thánh thì có mắt" nên ông đồng, bà cốt cũng đừng nên lòe bịp thiên hạ để hại người lợi mình. Gieo nhân nào gặp quả đó. Tích thiện được phước, ác giả ác báo là luật nhân quả ở đời.
     Mỹ Trân