Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2019

Chùa Hương Tích Hà Tĩnh - Ngôi chùa linh thiêng

      Nói đến chùa Hương Tích, người ta thường nghĩ ngay đến chùa Hương Tích ở Hà Tây cũ, ít ai biết một ngôi chùa cổ có tên Hương Tích ở Hà Tĩnh. Chùa Hương Tích Hà Tĩnh nằm trên một trong những ngọn núi đẹp nhất của dãy núi Hồng Lĩnh thuộc xã Thiên Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh, chùa có danh hiệu " Hoan Châu đệ nhất danh thắng" tức danh thắng đẹp nhất Châu Hoan (Châu Hoan là địa danh miền trung thời cổ).  

Sự tích chùa Hương Tích Hà Tĩnh.
       Chùa Hương Tích Hà Tĩnh là nơi thờ Phật Bà Quán Thế Âm Bồ Tát với hiện thân là Công chúa Diệu Thiện, con gái của vua Diệu Trang Vương nước Sở (Thế kỷ 6 trước công nguyên). 
   Chùa Hương Tích Hà Tĩnh được gắn với sự tích về  Phật tổ sai Thần Hổ cứu công chúa Diệu Thiện, rồi chạy trốn vua cha tới núi Hồng Lĩnh dựng am, tu hành. 


       Truyền thuyết về công chúa Diệu Thiện: Diệu Thiện là công chúa thứ ba của Diệu Trang Vương nước Sở. Ngay từ nhỏ, nàng đã không màng vinh hoa, chỉ một lòng tín tâm với Phật, phát nguyện tu hành để cứu độ chúng sinh. Nàng rất được vua cha yêu quý, nhà vua đã lựa chọn cho nàng những bậc anh tài tuấn tú, nhưng nàng đều từ chối. Vua giận lắm, đành phán rằng:  “Bây giờ đang là tháng Chạp, nếu con có thể trồng hoa tươi nở khắp trên núi, ta sẽ cho phép con tu hành”. Công chúa Diệu Thiện phải một mình lên núi nơi tuyết trắng phủ đầy, vừa trồng từng cây non vừa thành tâm niệm Phật. Kỳ lạ thay, tất cả những cây non đã được phủ đầy tuyết vẫn sống xanh tươi rồi nở đầy hoa. 
     Nhờ thế công chúa Diệu Thiện đã được toại nguyện, nàng rời khỏi cung vua, tới tu hành tại chùa Bạch Tước, tại Diệu Châu, thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.


   Thế nhưng, những người thành kính và quyết tâm tu hành đều phải trải qua ma nạn thử thách, công chúa cũng vậy. Do những đồn đại nàng bôi vua cha. Vua Trang Vương vô cùng phẫn nộ, đã hạ lệnh cho người tới đốt chùa Bạch Tước nơi công chúa tu hành.
       Chùa Bạch Tước chìm trong khói lửa ngút trời, nhưng lạ thay công chúa Diệu Thiện vẫn ngồi tụng kinh niệm Phật bình an vô sự. 
    Trong lúc tức giận, ông lại hạ lệnh dùng cực hình với Diệu Thiện. Thế nhưng khi đao phủ vừa vung tay lên thì cây đao bỗng gãy làm đôi. Vua Diệu Trang Vương lại hạ lệnh dùng hình thức treo cổ để xử tội, đúng lúc ấy xuất hiện một con hổ lớn nhảy vào pháp trường giải cứu cho công chúa.
  Cuối cùng, công chúa Diệu Thiện tới tu hành trong một hang đá trên Đại Hương Sơn. Thời gian qua đi, cuối cùng công chúa cũng đã tu thành chính quả. Sau khi đắc chính quả, Diệu Thiện hiện thân thành Pháp tượng Quán Thế Âm Bồ Tát thần thánh trang nghiêm, thần thông đại hiển cứu độ thiện nam tín nữ. 



       Chùa Đại Hương Sơn ở Diệu Châu trở thành đạo tràng Quán Thế Âm lâu đời nổi tiếng nhất ở Trung Quốc hiện nay vẫn còn tồn tại.
  Chùa Hương Tích Hà Tĩnh được gắn với sự tích về  Phật tổ sai Thần Hổ cứu công chúa Diệu Thiện, rồi chạy trốn vua cha tới núi Hồng Lĩnh dựng am, tu hành. 
    Tương truyền vào thế kỷ 13 thì chùa Hương Tích Hà Tĩnh được xây dựng. Năm 1885, chùa bị một trận hỏa hoạn lớn thiêu rụi. Năm 1901, Tổng đốc An - Tĩnh là Đào Tấn tiến hành quyên góp tiền trùng tu và xây dựng lại chùa. Năm 1990, Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam đã công nhận chùa Hương Tích là di tích văn hóa - thắng cảnh cấp quốc gia. Năm 2003, chùa được trùng tu. Năm 2006, chùa được đại trùng tu.


Tại sao chùa Hương Tích Hà Tây cũ là chùa Hương Tích "Phiên bản"
       Vào thời Lê - Trịnh, các vua Lê - chúa Trịnh phần lớn có quê ở xứ Thanh  nên các phi tần, mỹ nữ đa số được chọn tuyển ở miền Hoan Châu. Hằng năm các cung phi, cung nữ Thanh - Nghệ - Tĩnh thường trẩy hội chùa Hương trên núi Hồng Lĩnh vào ngày 18-2 âm lịch bằng đường thủy qua cửa Hội Thống (gần Cửa Lò bây giờ).
      Mỗi lần những "người đẹp" đi xa như vậy khiến chúa Trịnh rất phân vân, do đó chúa Trịnh mới gọi một vị hòa thượng xác định địa điểm ở miền rừng núi Hà Sơn Bình để xây chùa Hương Tích thứ hai mà thờ vọng để các "người đẹp" đi trẩy hội gần hơn (theo dẫn giải của ông Bùi Văn Nguyên, nguyên tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian VN). Như vậy nhờ "sáng kiến" của chúa Trịnh mà Việt Nam có hai chùa Hương Tích.
      Theo cuốn Hương Sơn Thiên Trù thiền phả, chùa Hương Tích ở Hà Nội mới được xây dựng từ đời Lê Huy Tông dưới niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1704), tức là sau chùa Hương Tích Hà Tĩnh khoảng 300 năm.. 


Kiến trúc chùa Hương Tích Hà Tĩnh
       Quần thể chùa Hương Hà Tĩnh ở độ cao 650m so với mặt nước biển, được chia làm ba phần chính: Thượng điện, đền Thiên Vương và Am Thánh Mẫu.
      Theo truyền thuyết, Am Thánh Mẫu là nơi Công chúa Diệu Thiện tu hành và hóa Phật Quan Âm. Xung quanh chùa còn nhiều cảnh quan như: Động Tiên Nữ, Am Phun Mây, Miếu Cô, suối Tiên Tắm, khe Quỷ khóc. 
      Tại chùa Hương Tích có tượng Thần Hổ, người đã được Phật Tổ sai xuống cứu công chúa Diệu Thiện, đặt ở trên đường đi lên chính điện để người dân thờ cúng.


    Miếu Cô là nơi công chúa Diệu Thiện đã từng qua đây, nàng thấy những tảng đá bằng phẳng nên ngồi nghỉ chân để thưởng ngoạn cảnh sắc. Bên cạnh miếu có dòng suối tên là Hương Tuyền, nước trong xanh bốn mùa. Du khách lên chùa thường dừng chân ở đây nghỉ ngơi, rửa tay bên dòng suối để trút bỏ bụi trần trước khi hành lễ. Từ Miếu Cô đến chùa Thượng dài khoảng 1 km, ngày nay đã có cáp treo.
      Dừng cáp treo, qua khu vực Bãi chợ trời, chỉ di chuyển thêm vài bước chân, du khách sẽ đến với khu vực chính của chùa đó là Chùa Thượng. Trong Tam Bảo chùa Thượng có 54 pho tượng bằng gỗ quý, được tác tạo từ thời Trần - Lê - Nguyễn. Đây là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất trong quần thể kiến trúc chùa Hương Tích


      Từ phía sau Chùa đi lên khoảng 28 bậc đá là đến động Hương Tích còn gọi là Am Quan Âm, Am Phật Bà. Toàn bộ còn nguyên sơ theo kết cấu cũ. Phía trong động đá hang sâu có tượng phật bà Quan Thế Âm tọa trên đài sen. Nhân dân xem Am Phật Bà là nơi thiêng liêng và chính tại nơi này công chúa Diệu Thiện đã tu hành hóa phật.