Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

Liên Phái, ngôi chùa chuyên xem TRÙNG TANG

      Chùa Liên Phái nằm tại Ngõ Chùa Liên Phái, phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Nơi đây là tổ đình của Thiền phái Liên Tông. Liên Phái là tên của chùa từ năm 1840, trước đó chùa có tên là Liên Hoa rồi Liên Tông.

      Đây là một ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội về việc xem trùng tang và cho bùa trùng tang. Thường người Hà Nội hay về đây để xem người thân mất có trùng tang hay không và xin ngày giờ liệm, ngày giờ hạ huyệt.              Chùa Liên Phái và chùa Hàm Long có một mối quan hệ mật thiết bởi đều do sư tổ Hòa Thượng Trịnh Thập (Như Trừng Lân Giác) phát tâm xây dựng.

Hòa Thượng Trịnh Thập - Sử tổ của chùa Liên Phái và chùa Hàm Long

        Chùa được xây dựng bởi sự phát tâm của Trịnh Thập (cháu nội Chúa Trịnh Căn và là con rể vua Lê Hy Tông) sau khi phát hiện một ngó sen lúc đào đất ở gò cao sau phủ  để xây bể cạn. Trịnh Thập cho rằng đây là dấu hiệu của Phật và tin rằng mình có duyên với đạo. Vì vậy, Trịnh Thập quyết định chuyển phủ của mình thành chùa Liên Hoa (nay là Liên Phái), đồng thời theo đạo Phật, trở thành Như Trừng Lân Giác trụ trì trong chính ngôi chùa này.
Tượng Hòa Thượng Trịnh Thập tại chùa Liên Phái
      Sinh thời, Ngài  thấy chúng sinh quá lo sợ vì những cái chết liên tục trong gia đình, dòng họ - mà nay ta gọi là “trùng tang”, Ngài đã tạo ra kinh “Thập nguyện cứu sinh”, và bộ ván in khắc phù giải, giúp cho những vong hồn được siêu linh.
     Ngoài việc, tập trung xây dựng chùa Liên Phái, Như trừng Lân Giác còn là người khởi công xây dựng chùa Hàm Long. Chùa Hàm Long cũng là nơi ông tu tập trong hầu hết cuộc đời tu hành.

Cảnh chùa Liên Phái mùa xuân

    Đó chính là điều chùa Hàm Long trở thành Đệ Nhất chùa " Giữ vong bị trùng tang". Chùa Liên Phái trở thành chùa Đệ Nhất xem trùng tang và cho bùa chống trùng. 
    Người Hà Nội và lân cận hay đến chùa Liên Phái để xem người mất có trùng tang không, xem ngày nhập quan, ngày hạ huyệt cho người mới mất.
     Như vậy, hòa thượng Trịnh Thập chính là sư tổ của hai ngôi chùa Hàm Long và Liên Phái. Ngài chính là người đã viết nên pho kinh " Thập nguyện cứu sinh" để chuyên hóa giải Trùng tang cho các vong linh chết trùng.

     Người ta đồn nhau rằng bùa giải ở chùa Liên Phái và Hàm Long đều được in ở bộ ván in cổ nên việc hóa giải trùng tang rất linh nghiệm.

Kiến trúc chùa Liên Phái

      Có lẽ chùa Liên Phái là số ít các chùa tại Hà Nội còn giữ nguyên được dáng cổ. Quy mô hiện nay của chùa hầu như không thay đổi gì mấy so với lần sửa chữa giữa thế kỷ 19. 

Quả Chuông cổ trong chùa Liên Phái

        Hai bên cổng của chùa Liên Phái là hai hồ nước rộng. Ngay trước cổng là ngôi tháp Diệu Quang hình lục lăng cao mười tầng. Tiếp đến là nhà bia, có 34 tấm bia ghi lại sự tích của chùa và các lần tu bổ, trên tấm bia còn ghi tên những người đóng góp công đức tu bổ và xây dựng lại chùa. 
       Qua sân rộng là nhà bái đường và khu tam bảo, khu thờ phật. Từ tam bảo đi qua một sân nhỏ là đến nhà tổ. Sau chùa là khu vườn tháp được xây dựng trên một gò đất cao, có chín ngôi tháp xây thành ba hàng. Hàng thứ nhất có hai ngôi tháp. Hàng thứ hai ở giữa có năm ngôi tháp gồm những ngôi tháp cao, trong đó có ngôi tháp Cửu Sinh xây bằng đá. Hàng thứ ba có hai ngôi tháp. Ngoài ra, trong chùa còn có một ngọn tháp cao chín tầng kiến trúc đẹp xây dựng vào khoảng năm 1890.

Bảo tháp trong chùa Liên Phái

       Trong chùa Liên Phái, ngoài tượng Phật còn có tượng Thượng Sĩ Lân Giác, một quả chuông có chữ "Liên Tông tục diện" (nghĩa là Liên Tông kế tục sáng ngời) nét chữ thời Lê Trung Hưng.