Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

Đền Mẫu Ỷ La Tuyên Quang

        Đền Mẫu Ỷ La thuộc phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang được xây dựng từ triều vua Cảnh Hưng năm 1747 thờ Công Chúa Phương Dung con gái Vua Hùng. Đền Mẫu Ỷ La được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 18.3.2016.



        Sự tích về Đền Mẫu Ỷ La

       Đền Mẫu Ỷ La và Đền Hạ (Đền Tam Cờ, hay đôi khi còn gọi là đền Hiệp Thuận), Đền Thượng (Đền Mẫu Dùm) tạo thành một cụm di tích thờ 2 công chúa của Vua Hùng là Phương Dung Công Chúa và Ngọc Lân Công Chúa. 
        Theo sách "Đại Nam nhất thống chí", Thần tích về hai công chúa như sau: Xưa có hai nàng công chúa con vua Hùng là Phương Dung và Ngọc Lân, một hôm theo xa giá đến bên bờ sông Lô (thuộc thôn Hiệp Thuận) đỗ thuyền. Nửa đêm trời mưa to, gió lớn, hai nàng đều hoá, nhân dân trong vùng lấy làm linh dị bèn lập đền thờ… Tại nơi đây một ngôi đền được xây dựng đó là Đền Hạ (xây dựng năm 1738). Cũng lưu ý thêm là Ngọc Lân Công Chúa đôi khi còn gọi là Ngọc Lan Công Chúa hay  là Mai Hoa Công Chúa, Phương Dung Công Chúa  còn có tên là Quỳnh Hoa Công Chúa). Hai công chúa này được suy tôn là các Thánh Mẫu. Nhưng cũng có tài liệu cho rằng hai cô công chúa trên chính là hiện thân của con gái vua Long Vương.
       Vào triều Nguyễn, nghe tin có một đảng loạn sắp tràn vào tỉnh lỵ, dân chúng đã vác tượng Mẫu từ Đền Hạ chạy vào thôn Gốc Đa xã Ỷ La lánh nạn.  Sáng hôm sau, thay vào chỗ bức tượng là một đống mối đùn lớn, dân làng cho là điềm báo ứng. Giặc tan, họ cùng nhau xây một ngôi đền mới thờ Thánh Mẫu ngay trên mảnh đất đó. Đó chính là Đền Ỷ La ngày nay (xây dựng năm 1747). Chừng 20 năm sau, năm 1767 (có tài liệu nói 1801), đền Thượng mới bắt đầu được xây dựng từ hương nhang của Đền Hạ.


       Như vậy, sự hình thành Đền Mẫu Ỷ La và Đền Thượng đều bắt nguồn từ Đền Hạ (còn gọi là đền Hiệp Thuận), cùng thờ hai công chúa của Vua Hùng. Trong quan niệm dân gian, Đền Mẫu Ỷ La là nơi “lánh nạn” của các công chúa, là nơi có địa thế linh thiêng chở che Thánh Mẫu, là nơi có khả năng bảo toàn cái Thiện, cho nên lễ hội Đền Thượng và Đền Hạ không tách rời Đền Mẫu Ỷ La. Hai vị Thánh Mẫu đều được thờ phụng ở 3 ngôi đền. Nhưng Đền Mẫu Ỷ La được chọn là nơi khởi kiệu, Đền Hạ là nơi hợp tế đều có những nguyên do lịch sử và tín ngưỡng dân gian.


        Hàng năm, xuân thu nhị kỳ vào trung tuần tháng 2 và tháng 7 (âm lịch), lễ rước Kiệu Mẫu bắt đầu từ Đền Mẫu Ỷ La ra Đền Hạ, rồi tiếp đến lễ rước Kiệu Mẫu từ Đền Thượng qua sông về Đền Hạ để cùng hợp tế. Nghi thức uy nghi, có đầy đủ già trẻ gái trai và khách thập phương tham dự. Người rước Kiệu Mẫu phải là những nam thanh, nữ tú xứ Tuyên. Kèm theo lễ rước là múa lân, kết hợp dàn nhạc với lời ca. Những năm Đền được vua ban cấp sắc phong, nhân dân tổ chức lễ đón nhận long trọng, đông vui.


         Đền Thượng, Đền Mẫu Ỷ La tạo nên một không gian văn hóa độc đáo của xứ sở lâm tuyền. Song nghi thức lễ hội Đền Mẫu Ỷ La cũng có những nét riêng, ngoài việc thờ cúng Thánh Mẫu còn thờ cúng Thổ công, thờ Thành Hoàng Làng, tế các danh nhân và nạn nhân lịch sử ở địa phương, lễ cầu tự, cầu mưa... Chẳng hạn như lễ Giỗ Trận vào ngày 16 tháng Chạp hàng năm của nhân dân xã Ỷ La tưởng nhớ 86 người thiệt mạng trong một vụ thảm sát của giặc Cờ Đen ở thôn Đồng Khán cuối thế kỷ XIX. Ngoài lễ thờ Thánh Mẫu, người xưa cũng dành phần hương hoả cho hai ông họ Nguyễn có công sáng lập đền, đó là Nguyễn Thứ và Nguyễn Huy Côn.


        Đền Mẫu Ỷ La còn để lại nhiều di sản vô giá. Trong đền hiện còn giữ được 2 quả chuông cổ và 16 tượng cũ, các đồ tế khí bằng đồng, sành sứ, các hoành phi câu đối, đề từ, sắc phong và thần phả. Nhưng đáng chú ý nhất là những di sản văn hóa phi vật thể. Đền còn lưu giữ được 6 bản sắc phong của 4 ông vua Triều Nguyễn như Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định phong cho Đền Mẫu Ỷ La. Nội dung các sắc phong đều đề cao công đức của Thần đã giúp nước, trợ dân sống an lành hạnh phúc và ban tặng cho các Mẫu những mỹ tự cao quí. Chẳng hạn:
      - Sắc phong của vua Đồng Khánh năm 1887 là “Dực Bảo Trung Hưng”;
      - Sắc phong của vua Thành Thái năm 1890 là “Tề Thục Trung Đẳng Thần”;
      - Sắc phong vua Duy Tân năm 1909 là " Hiệp Thuận Trinh Ý Minh Khiết Tĩnh Quyên Nhàn Uyển Trai Thục Dực Bảo Trung Hưng Phương Anh Phu nhân trung đẳng Thần"; 
     - Sắc phong của vua Khải Định năm 1923 là: “Linh Thuý Trung Đẳng Thần”.

      Lưu ý thêm về các đền Mẫu Tuyên Quang

      Như vậy, Đền Mẫu Ỷ La cùng với Đền Hạ, Đền Thượng tạo thành một cụm di tích cùng thờ hai chị em công chúa của vua Hùng là Phương Dung Công Chúa và Ngọc Lân Công Chúa. Hai công chúa này được coi là Thánh Mẫu và trở thành thần chủ của các ngôi đền trên. Ngoài ra, Đền Mẫu Ỷ la còn được coi là nơi thờ chính của Cô Tư Ỷ La. Cô Tư Ỷ là được coi là thánh cô hầu cận Mẫu Thượng Ngàn. Đền Thượng còn được coi là một trong các nơi thờ chính của Mẫu Đệ Tam (Mẫu Thoải). Sự tích Mẫu Thoải tại đền Thượng như sau:
       " Mẫu Đệ Tam vốn là con gái Vua Thủy Tề, ở chốn Long Cung.  Bà kết duyên cùng Kính Xuyên (là con Vua Đất). Khi Kính Xuyên đi vắng, bà ở nhà khâu vá, chẳng may kim đâm vào tay chảy máu, lấy tấm vải lụa trắng để thấm máu. Thảo Mai, tiểu thiếp của Kinh Xuyên, vốn đã sinh lòng đố kị từ lâu, nhân cơ hội đó giấu tấm lụa đi, đến khi Kính Xuyên về, Thảo Mai lấy ra rồi vu oan cho bà ở nhà đã cắt máu thề nguyền để tư thông cùng kẻ khác. Kính Xuyên không nghe lời thanh minh, ghen tuông mù quáng, một mực bắt đóng cũi bỏ bà lên rừng cho thú dữ ăn thịt. Ở nơi rừng núi, bà được muôn loài quý mến, dâng hoa quả nước uống cho bà. Đến một ngày kia thì bà gặp được Liễu Nghị, vốn là thư sinh quê đất Thanh Miện nhờ tập ấm cha mẹ để lại nên đèn sách chuyên cần. Hôm đó trên đường đi thi thì chẳng may bị lạc vào nơi bà bị đày ải. Thấy bà vậy, Liễu Nghị đến hỏi han, sau khi biết rõ sự tình, Liễu Nghị nhận giúp đỡ bà.  Bà đã viết thư nhờ Liễu Nghị mang về đến chốn Long Cung để vua cha thấu hêt sự tình rồi sẽ định liệu sau. Theo lời bà, Liễu Nghị ra đến sông Ngân Hán, là mái Long Giai ngoài biển Đông, thấy có cây ngô đồng, Liễu Nghị rút cây kim thoa, gõ vào cây ba lần. Tức thì gió giật mưa sa, biển động ầm ầm, giữa dòng thấy hiện lên đôi bạch xà, Liễu Nghị bèn trình bày mọi việc, đôi bạch xà vâng lệnh đưa Liễu Nghị xuống Thủy Cung. Tại đây, Liễu Nghị trao cho Vua Thủy Tề bức thư và kể hết mọi chuyện. Vua cha tức giận, sai người đi bắt Kính Xuyên và Thảo Mai, còn truyền cho Trưởng Tử Xích Lân lên đón bà về. Sau đó bà được rước về Thoải Phủ, kết duyên cùng Liễu Nghị, người được giao cho chức Quốc Tế Thủy Quan. ( Theo Bodetam.vn)"
        Theo truyền thuyết này thì Mẫu Thoải đã được phát tích ở vùng đất Tuyên Quang linh thiêng. Đền Thượng đã trở thành một trong các nơi thờ chính của Mẫu Thoải.

    (Bài viết có sử dụng tài liệu của các nhà nghiên cứu Trương Đức Tiến và Trần Mạnh Tiến và các tài liệu khác)