Thứ Ba, 1 tháng 5, 2018

Tứ Đền - Một khu đền linh thiêng

        Di tích Tứ Đền thuộc thôn Yên Lịch, xã Long Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình được xây dựng vào khoảng thế kỷ 15-16 bằng vật liệu đá ong. Đây là ngôi đền thờ Tản Viên Sơn Thánh. Đền còn được gọi là Tứ Đền vì có 4 ngôi đền chính là: Đền Thượng thờ Tản Viên Sơn Thánh, Đền Trung thờ Mẫu Mẫu Liễu Hạnh và Mẫu Thượng Ngàn, đền Hạ thờ hội đồng các quan và Đền thờ Ông Giáo. Ngoài ra, Tứ Đền còn có thêm Đền Trình và đền thờ Sơn trang và một ban thờ công đồng Tứ Phủ.


Đền Tứ Đền

       Tương truyền rằng: Vào thời nhà Mạc, thầy đồ Nguyễn Văn Học, người Hà Đông, đã đến vùng xã Long Sơn, Lương Sơn để truyền chữ cho nhân dân. Thầy sống một mình, đạm bạc, dành cả cuộc đời mình cho vùng đất đầy linh khí này. Thầy đồ đã mất ngay tại đây trong lòng thương và tiếc nuối của nhân dân trong vùng. Tưởng nhớ công ơn của Ông, mọi người đã đưa thân xác ông đến phối thờ tại khu đền của Đức Thánh Tản Viên.  Từ đó, nơi linh thiêng này có tên là Tứ Đền là vì thế.

Đền Thượng và Đền Trung tại Tứ Đền

       Theo tương truyền, nơi đây tuy các ngôi đền đơn sơ, nhỏ nhắn như những ngôi miếu nhưng rất linh thiêng. Chính thế, thầy đồ Nguyễn Văn Học còn được triều Mạc phong là thần trấn giữ cửa bắc thành nhà Mạc (xã Cao Thắng ngày nay), còn nhân dân suy tôn ông thành Đức Thành Hoàng làng.

Ông Rắn về ngự tại Tứ Đền ngày nhận bằng công nhận di tích

       Tháng 12/2016, Tứ Đền đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Tỉnh. Vào ngày hôm nhà đền nhận giấy chứng nhận di tích, có một ông rắn về cuộn tròn tại ngôi đền chính. Có người bảo đó là Đức Tản Viên Sơn Thánh ngài hiển linh về chứng lễ, có người bảo đó là Ông Giáo hiển linh về.
      Ngày xưa, đền thờ chưa có tượng Ông Giáo, nhưng gần đây có một gia đình có con thi vào đại học mấy lần không đỗ đã đến đây cầu xin ông. Quả nhiên, năm đó cháu đỗ đại học nên đã cung tiến tượng Ông Giáo vào đền của ông.
Ảnh đồng nổi Mẫu Liễu và Mẫu Thượng tại đền Trung của Tứ Đền.

      Hiện Tứ Đền vẫn còn nguyên sơ, tuy đã có sự trùng tu nhưng vẫn giữ được nét cổ ngày xưa, đơn giản, đơn sơ, mộc mạc. Đó là những mái đền dáng cổ nép mình bên chân một ngọn núi đá cao vút với những tán cây cổ thụ che phủ. Phía trước ngôi đền là dòng suối nhỏ và một cây cầu cong như dáng cầu Thê Húc. Tất cả tạo nên một không gian tâm linh cổ kính, thanh tịnh.
Ảnh đồng nổi của Đức Thánh Tản Viên trong ngôi đền Thượng tại Tứ Đền

      Nét đặc biệt là tại Tứ Đền là Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ đều không có thờ tượng mà thờ bằng tranh đồng nổi. Có lẽ đây là nét đặc sắc riêng ngôi đền này mới có.