Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

Đền Đại Lộ - Đền thờ Tứ Vị Thánh Nương

       Đền Đại Lộ hay thường gọi là đền Lộ, thuộc thôn Đại Lộ, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội. Đền Đại Lộ thờ Tứ Vị Thánh Nương chính là mẹ con Thái Hậu Dương Quý Phi. Đền Đại Lộ nằm trong cụm di tích tâm linh với bốn đền: Chùa Ngọc Minh, Đền Mẫu Cửu thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên, Đền Dầm thờ Mẫu Thoải và Đền Đại Lộ.

        Đền Đại Lộ được công nhận di tích tâm linh năm 2014.

Cổng Đền Đại Lộ

Tứ Vị Thánh Nương là ai

       Tứ Vị Thánh Nương là Thái hậu Dương Quý Phi và hai cô công chúa con của Thái Hậu và bà nhũ mẫu nuôi hai cô công chúa. Tứ Vị Thánh Nương là người nhà Tống Trung Quốc. Thái hậu Dương Quý Phi được thờ chính tại Đền Cờn Nghệ An và Đền Mẫu Hưng Yên. Bà có công phù hộ cho các triều vua đánh giặc nên được phong là Mẫu. Dương Quý Phi chính là Mẫu Hưng Yên tại đền Mẫu Hưng Yên và Mẫu Cờn tại đền Cờn. Như vậy, đền Đại Lộ là nơi thờ vọng của Thái hậu Dương Quý Phi.

Đền Đại Lộ
    Theo sách Việt Điện U Linh thì sự tích Tứ Vị Thánh Nương như sau:
    Năm Thiệu Bảo thứ nhất (1279) đời Trần Nhân Tông, bên Trung Quốc, Trương Hoàng Phạm đem quân đánh úp quân Tống ở Nha Sơn, quân Tống bị tan vỡ, quan tả tướng là Lục Tứ Phu ôm vua Đế Bính cùng nhảy xuống bể, tướng sĩ nhà Tống chết dưới bể có tới hơn 10 vạn người. Ba mẹ con phu nhân, ôm lấy một cột buồm một chiếc thuyền, trôi dạt đến một cái chùa bé ở bờ bể. Sư chùa thương bèn cho mẹ con vào chùa ở và nuôi cho ăn. Được mấy tháng mẹ con khi đã lại sức trở nên béo tốt, vẻ mặt phu nhân coi tuyệt đẹp, sư động lòng muốn tư thông, bị phu nhân cự tuyệt, sư xấu hổ quá gieo mình xuống bể chết. Mẹ con phu nhân cùng nhau khóc rằng: “Chúng ta vì sư mà được sống nay sư vì chúng ta mà phải chết, sao nỡ yên tâm”. Rồi 3 mẹ con cùng đâm đầu xuống bể chết cả, xác trôi đến cửa Càn Hải thuộc huyện Quỳnh Lưu, phủ Diễn Châu nước ta, vẻ mặt vẫn còn tươi như lúc còn sống. Thổ dân lấy làm lạ, vớt lên táng, thấy rất hiển linh mới lập đền thờ. Phàm những thuyền đi bể, gặp khi sóng gió nguy hiểm, kêu cầu đều được thoát nạn. Sau, các nơi cửa bể đều lập đền thờ, đền nào cũng có tiếng thiêng”.


Lầu chuông Đền Đại Lộ

      Theo tương truyền thì sự tích về Tứ Vị Thánh Nương có đôi chút sai khác: Năm 1279, quân Nguyên xâm lược Trung Quốc. Vua Tống là Tống Đế Bính khi đó mới 9 tuổi cùng hoàng tộc và quân thần rong thuyền bỏ chạy ra biển đông. Do thuyền truy sát của quân Nguyên đuổi sát thuyền vua Tống. Biết không thể thoát, nên Vua Tống, hoàng tộc và các quần thần đã nhảy xuống biển để tuẫn tiết. Trong số đó có cả Thái hậu Dương Quý Phi, hai cô công chúa và bà nhũ mẫu. Đó chính là Tứ Vị Thánh Nương. Thân xác Tứ Vị Thánh Nương đã trôi dạt về cửa biển Cờn Môn. Nhân dân vớt được đêm chôn cất. Sau này, tại nơi chôn cất có nhiều chuyện hiển linh nên bà con đã lập đền thờ.


Cung Cậu Bơ Thoải
     Ngoài ra, sự tích của Tứ Vị Thánh Nương này còn có nhiều dị bản. Có dị bản cho rằng người vớt được xác Tứ Vị Thánh Nương chính là hiện thân của Quan Hoàng Chín. Quan Hoàng Chín hiện được thờ tại Đền Cờn Ngoài tại biển Cờn Môn. Vì vậy, có lẽ thế Đền Đại Lộ có một ban thờ Quan Hoàng Chín.
Cung Cô Chín
     Khi vua Trần Anh Tông đem quân đi đánh chiếm Chiêm Thành, qua cửa Cờn chiêm bao thấy một nữ thần đến khóc lóc và nói với vua: "Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, lại gặp sóng gió, trôi dạt đến đây. Mấy lâu nay thiếp được thượng đế cho làm thần biển. Nay bệ hạ đem quân đi chinh phạt, thiếp xin theo giúp lập công". Vua cho gọi các bô lão hỏi sự tình, làm lễ kính tế rồi lên đường. Sóng yên biển lặng, quân vua tiến đến thành Chà Bàn, thắng lớn. Khi trở về sai hữu ty lập đền thờ bốn mùa cúng tế, phong làm “Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương". Sau vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành (1469), qua cửa Cờn có vào cầu đảo ở đền, được thắng lớn, khi về thuyền ngự đã qua cửa Biện, chợt gió Đông nổi lên, buồm thuyền theo gió quay lại trước đền. Vua bèn hạ lệnh cho tu sửa miếu và phong phẩm cho thần.

Đền Trần Hưng Đạo trong khuôn viên Đền Đại Lộ

Sự tích về Đền Đại Lộ

       Theo văn bia từ thời vua Bảo Đại còn được lưu giữ ở đền thần tích về Đền Đại Lộ như sau: "Tương truyền vào cuối nhà Trần, khi ấy nước sông Nhị Hà lên to, bỗng nhiên có 4 cái nồi úp dưới cái nón trôi dạt vào bờ sông thuộc bản xã, khiến bản xã không yên ổn. Giữa lúc đó có vị thần báo mộng phải lập ngay đền thờ Tứ Vị Thánh Nương thì mới được yên. Dân làng thấy vậy bèn dựng ngay đền thờ ở đây".


Hậu cung thờ ngai của Mẫu Dương Quý Phi

       Trong dân gian tương truyền rằng nơi đây ngày xưa có một thương nhân vùng Nghệ An, nơi thờ chính của Tứ Vị Thánh Nương ra vùng Xâm Dương buôn bán. Xâm Dương ngày xưa là một cửa sông buôn bán tấp nập, trên bến, dưới thuyền. Ông đã đưa chân nhang ra đây để lập một miếu nhỏ. Mọi người quan vùng đến xin lộc mua may bán đắt đều linh nghiệm. Qua nhiều đời, ngôi miếu đã trở thành Đền Đại Lộ to đẹp và khang tranh như ngày hôm nay. Tích này cũng khá giống với tích tại Đền Mẫu Hưng Yên.
       Truyền thuyết còn kể một dị bản khác rằng: Xưa kia, đoạn đê ở làng quê Ninh Sở bị vỡ. Người dân trong làng tìm mọi cách để đắp lại nhưng đều không thành. Sau đó, đích thân nhà Vua cùng dân làng ra sông Nhị Hà cầu khấn, làm lễ xin Tứ Vị Thánh Nương cho hạp long khúc đê, dân làng sẽ xin lập đền thờ phụng. Lúc đó, có hai ông rắn đột nhiên xuất hiện, từ từ đấu đuôi lại với nhau. Từ đó đoạn đê được hạp long và không bao giờ bị vỡ nữa.

Cung thờ Vua Cha Ngọc Hoàng

Không gian kiến trúc và tâm linh Đền Đại Lộ

     Đền Đại Lộ có một không gian rộng rãi. Từ cửa đền uy nghi, hoành tráng đi vào sân đền chúng ta đã có thể thấy một ngôi đền nhỏ thờ Hưng Đạo Đại Vương, Lầu Chuông, Lầu Cậu Bơ Thoải, Lầu Cô Chín và lư hương đá ngoài trời.

Cung Sơn Trang thờ Mẫu Thượng Ngàn

     Bên trong đền khá rộng rãi, được bài trí khá nhiều các ban thờ. Tại tiền cung có Ban Vua Cha Ngọc Hoàng, bên phải thờ Ông Chín Cờn. Vị thần được coi là đã vớt xác của Tứ Vị Thánh Nương, nay được thờ tại Đền Cờn Ngoài - Nghệ An.

Một góc Đền Đại Lộ

      Chính giữa trung cung thờ Tứ Phủ Quan Hoàng, bên trái thờ Cô Bơ, Bên phải thờ Sơn Trang và Mẫu Thượng Ngàn.
       Chính giữa thượng cung thờ Công Đồng Tứ Phủ, bên phải thờ Tứ Phủ Thánh Cậu và Chầu Đệ Nhị, bên trái thờ Chầu Đệ Tứ và Tứ Phủ Thánh Cô.
Cung thờ Cô Bơ Thoải

        Hậu Cung thờ ngai của Mẫu Dương Quý Phi.
      Cung Cấm thờ Tứ Vị Thánh Nương. Tứ vị thánh nương được thờ trong khám. Hàng phía trước có 3 pho tượng, hai bên là 2 cô công chúa, ở giữa là bà nhũ mẫu, hàng phía sau là Mẫu Dương Quý Phi.

Lễ hội Đền Đại Lộ

      Chính hội được diễn ra trong ba ngày, từ mùng 4 – 6/2 âm lịch hàng năm. Sáng mùng 5, lễ rước nước trên sông Hồng được tổ chức. Mục đích của lễ thức này là cầu cho mưa thuận gió hòa và xin nước về thờ. Sang ngày mùng 6 còn được gọi là chính tiệc của Tứ vị Thánh Nương nên các hoạt động đều nhằm tôn vinh uy danh của Ngài. Lễ vật bắt buộc là bánh dày và cơm nắm muối vừng.

Các nơi thờ Mẫu Dương Quý Phi

     Tứ Vị Thánh Nương, trong đó có Mẫu Dương Quý Phi được thờ chính tại Đền Cờn Nghệ An. Các nơi thờ vọng nổi tiếng là Đền Mẫu Hưng Yên và Đền Đại Lộ. Như vậy, Đền Đại Lộ chính là một trong ba ngôi đền lớn thờ Mẫu Dương Quý Phi.
     Cũng lưu ý thêm rằng Mẫu Dương Quý Phi được thờ theo tục thờ mẫu của Việt Nam. Mẫu Dương Quý Phi không thuộc Tứ Phủ trong Đạo Mẫu. Tuy nhiên, các đền thờ Mẫu Dương Quý Phi thường xuyên có rất nhiều người đến cầu đảo. Mẫu Dương Quý phi thường được phối thờ ở các vùng sông nước, biển cả nên Mẫu nghiêng về hàng Thoải.