Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2017

Đền Bạch Mã - Hà Nội

      Đền Bạch Mã nằm ở 76 phố Hàng Buồm, Hà Nội. Đền Bạch Mã là một trong bốn ngôi đền trong “Thăng Long tứ trấn” của thành Thăng Long ngày xưa. Trong Tứ Trấn thì đền Bạch Mã trấn ở phía đông nên còn được gọi là: Đông Trấn Linh Từ.

Thăng Long tứ trấn 

      Thăng Long tứ trấn bao gồm: Trấn phía bắc đền Quan Thánh, trấn phía nam là Đền Kim Liên, trấn phía tây là Đền Voi Phục, trấn phía đông là đền Bạch Mã. 

Đền Bạch Mã

       Mỗi ngôi đền trong Thăng Long Tứ trấn thờ một vị thần có nguồn gốc khác nhau để trấn yểm cho thành Thăng Long: Thần Long Đỗ thờ ở đền Bạch Mã, thần Cao Sơn thờ ở đền Kim Liên, thần Linh Lang thờ ở đền Voi Phục, thần Trấn Vũ thờ ở đền Quan Thánh.

Thần tích về đền Bạch Mã

       Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, hay còn gọi là Tô Lịch giang thần, thành hoàng Hà Nội gốc. Đây cũng là vị thần đã làm thất bại các pháp thuật của Cao Biền, khiến Cao Biền cũng phải phong thần làm “Đô phủ thành hoàng thần quân”.
       Đền Bạch Mã có ít nhất từ năm 866. Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, cũng đã phong thần làm “Quốc đô định bang thành hoàng đại vương”.
Tượng thần Bạch Mã
       Huyền thoại kể rằng: Khi vua Lý Thái Tổ dời đô đến Đại La đổi tên là kinh đô Thăng Long ngài đã cho xây dựng đô thành, nhưng thành cứ xây lên rồi lại lở. Vua liền sai người tới cầu đảo, chợt thấy ngựa trắng từ trong đền đi ra, đi quanh một vòng, đi đến chỗ nào thì để lại dấu chân đến đó, rồi trở lại vào trong đền thì biến mất. Vua liền theo dấu chân ngựa mà đắp thành lũy thì không lở nữa, nên thờ làm thành hoàng Thăng Long. Tạ ơn thần linh trợ giúp, vua bèn tôn phong thần Long Đỗ làm “Quốc đô Định bang Thành Hoàng Đại Vương”, và cho gọi tên ngôi đền thờ thần là “Bạch Mã linh từ” (đền thiêng ngựa trắng).   

Thần Long Đỗ là ai

     Trong cuốn “Việt điện u linh tập” có ghi rằng: Nhà Đường cử Cao Biền là một tướng tài và cũng là một pháp sư đầy quyền năng sang nước ta, trấn yểm mọi long mạch nước nam ta.


      Năm 866, khi Cao Biền đã đắp xong thành Đại La bèn ra cửa Đông dạo chơi. Bỗng đâu gió nổi, mây mù, một người cao lớn mặc áo gấm cưỡi rồng ẩn hiện. Cao Biền sợ hãi, ngay lập tức nảy sinh ý định lập bùa trấn yểm. Đêm đó, Cao Biền nằm mộng thấy vị thần cao lớn ấy hiện ra khoan thai nói: “Ta là tinh anh ở Long Đỗ. Nghe tin ông đắp thành nên đến chơi. Việc gì phải trấn yểm?”. Tỉnh dậy, Cao Biền bèn lấy vàng, đồng và bùa chôn xuống đất để trấn yểm. Việc vừa làm xong, một trận cuồng phong nổi lên, vàng, đồng và bùa của Cao Biền bị đánh tan thành tro bụi. Cao Biền hoảng hồn, than thở “Ta phải về phương Bắc mất thôi!” rồi lập tức cho người lập đền thờ thần Long Đỗ. Quả nhiên, sau đó ít lâu Cao Biền bị triệu về cố quốc và chết tức tưởi. 

Tượng thần Bạch Mã

       Trong thời Bắc thuộc, các thứ sử, thái thú khi đắp thành, trị nhậm vùng Long Đỗ đều phải cầu khấn, xin phép ngài. Ngài đã từng hiện lên phá nát đàn trấn yểm của Cao Biền khiến Cao Biền phải thở than và trở về Bắc quốc. 
        Nhà Lý phong thần là Quốc đô Thành hoàng Đại vương. Nhà Trần gia phong là Bảo quốc Trấn linh Định bang Quốc đô Thành hoàng Đại vương. 

Đôi nét về Đền Bạch Mã

        Đền đã được tôn tạo, sửa chữa lớn nhiều lần vào các năm 1781, 1829, 1839 và nhiều lần vào thời gian gần đây. Hiện ngôi đền vẫn giữ nguyên kiến trúc nhưng được sắp xếp lại theo cấu trúc Tam nguyên đồng hóa - tức là thêm điện thờ Phật và Mẫu. 
      Đền Bạch Mã đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa từ năm 1986 được trùng tu tôn tạo nhiều lần khang trang. 


      Trong đền, cùng với các lư hương đồng, bình đồng, còn có tượng Phật và một đôi hạc, đôi phỗng trong tư thế đứng trang nghiêm. Trường tồn cùng thời gian. 
       Đền Bạch Mã hiện còn lưu giữ được 15 văn bia cổ và nhiều hiện vật có giá trị khác như Cỗ Long ngai có hàng chữ ghi tên vị thần được thờ chính, bức hoành phi “Đông trấn linh từ”, đồ thờ gồm các vũ khí thời cổ như xích, đao, thương, câu liêm... được sơn son thếp vàng, chạm khắc tinh xảo.
       Kết quả kết hợp Thần và Phật trong thờ tự để làm nên tên gọi Bạch Mã Linh Từ chắc diễn ra ở đầu thế kỉ XI, khi xây dựng kinh thành Thăng Long.

Sự linh thiêng của Đền Bạch Mã

      Đến đời Lý Thái Tông, Nhà Vua cho mở phố chợ về Cửa Đông. Vua muốn dựng đền ra một chỗ khác song lại nghĩ rằng một ngôi đền cổ không nên dời đi, bèn sửa sang lại đền liền với các nhà ngoài phố, riêng để một ngôi nhà bên trong làm nơi thờ thần. Đêm đến, thần hiển linh nổi trận gió bắc rất to, các nhà bên đều đổ, duy chỉ đền thờ thần là nguyên vẹn. Vua Lý Thái Tông lấy làm lạ hỏi, có người biết, tâu rõ việc hiển linh của thần từ trước. Vua mừng nói: “Đó thật là vị thần coi việc nhân gian”.
Thấy đền linh thiêng, là nơi có thể dựa vào để bảo vệ dân, giữ nước, Đức Vua đã xuống chiếu cho sửa lễ tế đền và đặt lệ mỗi năm cứ đầu mùa xuân lại đến làm lễ cầu phúc cho dân an hưởng thái bình, đất nước vững bền, thịnh trị. Ông cũng sắc phong thần là Quảng Lợi vương. 
       Một điều lạ lùng mà rất nhiều sử sách ghi lại, thậm chí Thái sư Trần Quang Khải cũng đã từng làm thơ nói về vấn đề này là sự trường tồn cùng thời gian của đền Bạch Mã. Theo đó, dù xung quanh đền đã phải hứng chịu tới 3 cuộc hỏa hoạn lớn nhưng đền đều… vô can. Trong lịch sử, từng có bài thơ của Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải với 2 câu tỏ ý kinh ngạc trước sự linh thiêng của đền Bạch Mã như sau:
         “Lửa bốc ba lần không cháy đến
       Gió lừng một trận chẳng hề nghiêng!”.
      Ngoài ra, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bom B52 rải thảm ở miền Bắc, mọi thứ xung quanh đền đều bị tàn phá, riêng ngôi đền Bạch Mã vẫn uy nghi, vững chãi.