Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017

Đền Độc Cước Sầm Sơn

     Đền Độc Cước nằm trên đỉnh núi Cổ Giải  ngay cạnh bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa. Đền mang tên Độc Cước (nghĩa là một chân) thờ Thần Độc Cước.

     Thần tích về Thần Độc Cước

      Ngày xưa, có một trận mưa bão lớn đã kéo một phụ nữ mang thai ra biển. Khi mưa bão tan,  nước rút sóng đẩy xác người phụ nữ vào bờ.

Đền Độc Cước Sầm Sơn

     Thật kỳ lạ, từ xác người mẹ đã sinh ra một cậu bé khôi ngô. Rồi một ngày kia, bỗng nhiên xuất hiện loài quỷ biển. Chúng ăn thịt dân chài, hãm hiếp phụ nữ, cướp bóc của cải và thật tai quái chúng xuất quỷ nhập thần lúc trong bờ khi ngoài khơi khiến cho dân làng không kịp trở tay. Bấy giờ cậu bé Độc Cước bỗng nhiên lớn nhanh như thổi, sức khoẻ phi thường trở thành chàng khổng lồ. Cậu đã xông pha giết quỷ, đánh cho chúng nhiều phen tan tác. Nhưng khi cậu trong bờ chúng lại quấy nhiễu dân chài ngoài khơi. Cuối cùng để cứu dân làng Cậu bé đã tự xẻ đôi thân mình một nửa chấn ải biển đông, một nửa trên bờ.


      Nhớ ơn chàng, dân làng xây đền trên núi Trường Lệ - Nơi xác người mẹ được mọi người tôn tạo, gọi là đền Độc Cước.
      Ngay bên cạnh đền Độc Cước, ngày nay còn có một tảng đá với một vết lõm dấu chân khổng lồ tương truyền là bàn chân của chàng Độc Cước khi xưa.

     Lịch sử  Đền Độc Cước

      Đền được lập từ đời Trần (1225-1400), dựng lại vào thời Lê và đã qua trùng tu nhiều lần. Phía sau đền có Môn Lâu dựng năm 1863 bằng gỗ. Trong đền có tượng Thần Độc Cước bằng gỗ chỉ có một tay, một chân. Chân tượng dựng vững chắc trên hòn đá tảng, tay tượng có cây búa ở tư thế đang vung về phía sau chiến đấu với loài quỷ biển.


        Đền có hai pho tượng ngựa đúc bằng đồng, cặp tượng phỗng tạc bằng đá khối, nhiều câu đối chữ nho ca ngợi công đức của thần Độc Cước.

Sự linh thiêng của Đền Độc Cước

      Đền Độc Cước  ngự trên hòn Cổ Giải (Cổ con Rùa biển) là phần đầu của dãy Trường Lệ nhô ra biển, nơi hội tụ linh khí đất trời, rừng xanh nước thẳm; đá chồng lên đá trùng điệp nguy nga.
     Thần Độc Cước là một vị thánh được xem là “Chu Minh thánh vị” tài giỏi dũng cảm hơn người.


     Trong sắc phong Cảnh Hưng thứ 44 có ghi “Vị thánh linh thiêng vào bậc nhất trong hàng thánh mà không vị nào bằng. Ngài đem sự tài giỏi linh thiêng ấy để gìn giữ bờ cõi cho đất nước, bảo vệ dân lành và muôn vật. Đối với kẻ ác trừng trị thẳng tay, thật là một vị thánh đầy đủ nhân hậu.
      Tương truyền, vua Trần Thánh Tông cùng các tướng lĩnh trong một lần đi chống giặc ngoại xâm khi đi qua vùng biển xinh đẹp này thì trời đã quá khuya. Nhà vua cho thuyền neo đậu, nghỉ đêm tại đây.  Nhà Vua nằm mộng thấy có một vị thần bán thân tay cầm cây búa uy nghi vững trãi. Vị thần nói với nhà Vua: “Ta là thần Độc Cước cai quản vùng biển này, nay biết Vua tôi trên đường đi giết giặc ta muốn giúp một tay” Vua Trần giật mình tỉnh giấc, nhìn ra bốn bề chỉ thấy một ngôi miếu nhỏ nằm chênh vênh trên đầu ngọn núi. Nhà Vua thầm hứa: “Nếu mai này thắng giặc trở về ta nhất định sẽ xây dựng lại ngôi đền”. Quả nhiên năm ấy Nhà Trần đã đánh cho quân Nguyên Mông một trận tan tác. Giữ lời hứa và cũng là lời cảm tạ nhà Vua ban sắc phong cho thần đồng thời cho xây dựng lại ngôi Đền.

      Các địa điểm tâm linh của Sầm Sơn

     Từ đền Độc Cước, bạn có thể tận hưởng gió trời lồng lộng mang theo vị mặn của biển. Xa xa, những làng chài nấp sau rặng phi lao hát vi vu trong gió biển rì rào.

Cổng Đền Cô Tiên

     Độc Cước không chỉ là một ngôi đền đẹp mà còn là một di tích của Sầm Sơn. Đền rất hấp dẫn đối với du khách trong nước và nước ngoài khi đến tắm mát, nghỉ ngơi ở Sầm Sơn. Ngoài đền Độc Cước, du khách còn có thể đến thăm Đền Cô Tiên - Một ngôi đền đẹp và linh thiêng, hòn Trống Mái.
Đền Trung thờ Tô Hiến Thành
       Có thời gian hơn nữa, sau khi đến thăm Đền Độc Cước (còn gọi là Đền Thượng), chúng ta có thể đến thăm Đền Trung (thờ Thái Úy Tô Hiến Thành), Đền Hạ  (Đền Hoàng Minh).