Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

Thực hành đúng về hầu đồng

      Lời ban biên tập: Một nhà nghiên cứu văn hóa Mỹ - Ông Taylor - sau khi nghiên cứu về Đạo Mẫu đã thốt lên: Một đạo tốn kém nhất của nhân loại. Chúng tôi xin lược trích bài viết "Hiểu và thực hành đúng về hầu đồng" của bạn Phương Lan đăng trên Báo Mới điện tử về thực trạng hầu đồng hiện nay để các bạn suy ngẫm.


HIỂU VÀ THỰC HÀNH ĐÚNG VỀ HẦU ĐỒNG

       Là một di sản văn hóa thuần Việt, rất đáng được tôn vinh, nhưng hiện nay hầu đồng đang bị biến tướng, bị nhiều người lợi dụng để “buôn thần, bán thánh”.

       Hơn 10 năm trở lại đây, nét văn hóa hầu đồng đang bị lạm dụng, biến tướng. Trên thực tế, có nhiều thày đồng (là những đồng đú, đồng đua) thường đem thần linh ra hù dọa con nhang, đệ tử, khiến họ lo sợ. Lợi dụng tâm lý hoang mang của một số người khi bị ốm đau, bệnh tật, làm ăn lụn bại… Thậm chí có “thầy” bói còn phán rằng: Nếu đến ngày này, tháng kia mà không trình đồng mở phủ thì sẽ bị chết… Nhiều người đã sống dở, chết dở vì gặp phải những đồng đua, đồng đú… như vậy.
       Liên tiếp gặp nhiều biến cố trong cuộc sống, với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, nên chị Nguyễn Thị N. đến gặp một thày đồng. Vừa nghe chị kể qua về hoàn cảnh, vị thày đồng này đã “phán” ngay: Chị “căn” nặng lắm, cô Chín đày đấy, phải làm lễ hầu thánh mới “giải” được nạn này. Rồi thanh đồng này cũng “phán” luôn, phải mất ít nhất 200 triệu đồng làm lễ thì mới giải được “căn”.
       Vội vã tin vào lời “thầy” phán, chị N. đã chạy vạy vay mượn để “hầu thánh”. Đến buổi hầu đồng, chị N chở một xe ô tô những lễ vật dâng cúng, gồm bánh kẹo, nhiều nhất là đồ mã, lên tới vài chục triệu đồng. Bên cạnh đó, còn hàng xấp tiền từ mệnh giá nhỏ đến lớn để phát lộc… Nhưng “lộc” đâu chưa thấy, chỉ thấy gia đình chị liêu xiêu vì phải chạy vạy khắp nơi vay tiền làm lễ.


       Trên thực tế, những trường hợp con nhang đệ tử bị các thầy đồng lợi dụng thần thánh để dọa nạt xảy ra rất nhiều. Bà Lê Thị Hạnh, Trưởng Ban quản lý di tích đền Rừng (quận Long Biên) thừa nhận, đa số các thanh đồng là người tốt, nhưng cũng có nhiều thanh đồng lợi dụng thần thánh yêu cầu con nhang đệ tử phải làm thế này, phải thế kia, nếu không sẽ ốm đau, bệnh tật, làm ăn sa sút…
       Bà Hạnh xót xa: “Có những giá đồng riêng tiền đồ mã đã lên đến 40 - 50 triệu đồng, vừa lãng phí tiền của, vừa ô nhiễm môi trường, gây nguy cơ cháy nổ cao. Nếu số tiền này chúng ta dành để công đức các đền, các chùa còn cần kinh phí xây dựng, công đức cho các tổ chức xã hội trẻ em nghèo, mồ côi, khuyết tật… có ý nghĩa hơn nhiều”.
       Ông Lưu Ngọc Đức, thủ nhang Lảnh Giang vọng từ, phố Hàng Hành, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), một thanh đồng lâu năm than: “Bây giờ hầu đồng phức tạp quá, bản thân tôi trong nghề cũng thấy vô cùng phức tạp, bất bình trước những biến tướng lệch lạc nó, nhất là việc dọa dẫm con nhang, đệ tử để trục lợi đang xuất hiện nhan nhản hiện nay”.
       Theo ông Đức, bên cạnh việc thương mại hóa, lợi dụng tín ngưỡng để kiếm tiền, việc thực hành nghi lễ hầu đồng hiện nay còn bị biến dạng về nhiều mặt. Đầu tiên là về y phục. Truyền thống người Việt Nam vốn ưa nhẹ nhàng, giản dị. Đối với nam là khăn xếp, áo dài dưới có đai thắt. Nữ vấn tóc, trâm cài lược giắt đơn giản.


      “Bây giờ, nhiều thanh đồng ông thì đội mũ tai ngang, ông thì tai thẳng, có ông đầu đội mũ chân đi hia, đến nỗi chúng tôi không biết đó là thánh Tàu hay thánh ta. Còn có vị thanh đồng hầu giá cô Bơ, mà mặc chiếc váy dài đến 5m, đầu thì búi tóc trông như bánh sừng bò, chổng ngược lên trên, trông không khác gì Dương Quý Phi hay là Chiêu Quân của Trung Quốc, ngày xưa các cụ làm gì có mốt ấy”, ông Đức bức xúc.
       Ông Lưu Ngọc Đức khuyên: Các con nhang đệ tử, có tín ngưỡng nhưng đừng mê tín quá. Cái gì có tình, có lý thì nghe, không nên ngộ nhận, cũng không nên bị dọa mà sợ, rồi cố nghe theo để rồi tan cửa nát nhà. “Các cụ xưa dạy rằng, “tùy thí đắc thụ”, “Giầu kép hẹp đơn”, có nghĩa là các đệ tử cứ tùy tâm mình, thậm chí chỉ cần bông hoa bát nước cũng được, không cần cầu kỳ. Ngay cả việc đốt đồ mã nhiều là không đúng, vì xưa các cụ không đốt vàng mã nhiều như bây giờ”.


       Một số thanh đồng khác thì bức xúc về việc nhiều thanh đồng sử dụng vũ đạo không đúng quy chuẩn. Ngày xưa vũ đạo đơn giản nhưng trang nghiêm, động tác cũng yểu điệu. Còn bây giờ, nhiều người sử dụng vũ đạo nặng về biểu diễn, không ít người cho rằng lên đồng để vui, nên tha hồ nhảy múa loạn cả lên.
        Ngay cả các cung văn (những người hát chầu văn tại các buổi hầu đồng) hiện nay cũng bị lệch lạc. NSƯT Văn Ty cho biết, hiện nay, một số sinh viên các trường ca múa nhạc, nghệ sỹ tại các đoàn nghệ thuật cũng tham gia hát chầu văn và mặc sức chế lời.


       Có cung văn còn đưa cả những bài hát “Hoa Chăm pa”, “Lý qua cầu” hay dân ca quan họ… vào hầu đồng, khiến cho vốn chầu văn cổ đang bị mai một, biến dạng. 
       Việc nhiều ông đồng, bà đồng lợi dụng lòng tin, lợi dụng các di tích đền phủ, lợi dụng các sinh hoạt nghi lễ và lễ hội để kiếm tiền, làm biến dạng những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu đã khiến một nhà nghiên cứu văn hóa kỳ cựu phải đau xót mà thốt lên rằng, “nhiều đền, phủ bây giờ không còn là nơi để nhân dân thực hành tín ngưỡng nữa, mà nó đã trở thành ‘cơ sở kinh doanh tín ngưỡng’, là nơi kiếm tiền và làm giàu của một số đối tượng được giao trông coi di tích rồi”.