Phủ Bóng hay còn gọi là Đền Cây Đa Bóng, hay Phủ Bóng - Nguyệt Du Cung. Đây được coi là một trong các di tích chính về Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Phủ Bóng - Nguyệt Du Cung thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định trong quần thể di tích tâm linh Phủ Dầy. Quần thể di tích Tâm Linh Phủ Dày được coi là cái nôi của Đạo Mẫu Việt Nam.
Phủ Bóng - Nguyệt Du Cung nằm ngay bên Lăng Thánh Mẫu.
Phủ Bóng - Nguyệt Du Cung nằm ngay bên Lăng Thánh Mẫu.
Thần tích về Phủ Bóng- Nguyệt Du Cung
Thánh Mẫu vốn là Công Chúa thứ hai của Ngọc Hoàng vì lỡ tay đánh rơi vỡ chén ngọc mà bị đày xuống trần gian. Lần đầu Thánh Mẫu giáng sinh xuống Vỉ Nhuế, Ý Yên, Nam Định. Lần thứ hai, Thánh Mẫu giáng sinh ở Vân Cát trong gia đình ông Lê Thái Công và vợ là Trần Thị Phúc vào năm 1557. Tên của Mẫu lúc đó là Lê Giáng Tiên. Giáng Tiên từ thủa bé đã nổi tiếng về cầm kỳ thi họa. Năm 18 tuổi kết duyên cùng Trần Đào Lang. Năm 21 tuổi, Giáng Tiên mãn hạn giáng trần, không bệnh, không tật mà mất.
Thân xác của Giáng Tiên đã được nhân dân an táng tại cồn cây tươi tốt tại cánh đồng xứ Cây Đa. Ở trên thượng giới, Tiên Chúa vẫn ngày đêm khắc khoải không sao quên được tình nghĩa trần gian, Ngọc Hoàng biết chuyện, thương tình phong cho nàng là Liễu Hạnh công chúa và cho phép nàng được thăm lại chốn cũ người xưa ở trần gian.
Cũng từ đó, vào những đêm trăng sáng đầy trời Liễu Hạnh công chúa lại dẫn một đoàn tiên nữ xuống quây quần múa hát bên gốc cây đa. Dân làng thầm lặng dõi theo dần dần nhận ra đây là điềm linh thiêng, linh ứng mới bàn nhau lập miếu thờ dưới gốc cây đa nên thường gọi là đền Cây Đa Bóng hay Phủ Bóng. Sau đó những người thường thấy Tiên Chúa và tiên nữ múa hát dưới trăng lại đặt tên đền là Nguyệt Du Cung
Tam Quan Phủ Bóng |
Lịch sử Phủ Bóng - Nguyệt Du Cung
Ngôi Phủ này có chính xác từ bao giờ thì chưa rõ, nhưng có lẽ ít nhất cũng khoảng 200 năm. Thủ nhang của đền hiện nay cho biết thì giá đình đã có đến 5 đời phụng sự ngôi đền.
Ngôi đền này trước đây chỉ là một ngôi đền nhỏ, đến thời vua Thành Thái ( 1889 – 1906) cụ Đồng quan Trần Vũ Thực đã để tâm xây dựng và mở rộng. Đền Cây Đa Bóng – Nguyệt Du Cung bấy giờ đã có điện thờ nguy nga, tráng lệ có lầu chuông cao đẹp, tượng Thánh Mẫu được đúc bằng đồng, bát hương chuông đồng, chống đồng to đẹp tráng lệ…
Trải qua các cuộc chiến tranh, ngôi đền đã bị tàn phá và xuống cấp chỉ còn lại nền móng. Nhiều năm trở lại đây với tâm huyết bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá vốn cổ của cha ông, Ban Quản lý nhà đền đã trùng tu xây dựng ngôi đền rất khang trang to đẹp tạo điều kiện cho khách thập phương về chiêm ngưỡng thăm viếng.
Kiến trúc Phủ Bóng - Nguyệt Du Cung
Nguyệt Du Cung là một công trình kiến trúc tâm linh, tố hảo, khang trang với 4 cung trùng thềm điệp ốc. Phía ngoài sân đền là Tam Quan mái cong hoành tráng, với lầu chuông thật uy nghi.
Nhiều người từng nói: Đền Phủ Dày mà chưa đến đền Cây Đa Bóng-Nguyệt Du Cung thì coi như chưa đến Phủ Dầy. Phủ Bóng - Nguyệt Du Cung đã hòa quyện được cả hai yếu tố lễ hội và du lịch mang lại cho khách thập phương những cảm thức về tâm linh và tinh thần văn hóa để có thể linh cảm được những thời khắc giao thoa giữa trời và đất, giữa Thánh Mẫu với con người.
Theo các nhà Phong thuỷ học nhận xét khu di tích địa linh này là một chốn linh thiêng : Phía trước Đền là tiền đường có hướng chầu vào khu lăng mộ Đức Thánh Mẫu, phía đằng sau dựa vào đỉnh núi Côi, hai bên tả hữu đều có Thanh Long, Bạch Hổ cân bằng. Bên tả Thanh Long có thế uốn lượn hiền hoà, ôm bao. Hữu Bạch Hổ có thế cao đầy, vun vút. Nhìn từ xa xa Đền Phủ Bóng – Nguyệt Du Cung trông giống hệt như một chiếc Ngai Quan lớn rất vững trãi và uy nghi nằm ở ngay trung tâm của Quần thể Di tích Tâm linh Phủ Dày.
Các cổ vật tại Phủ Bóng - Nguyệt Du Cung
Trong đền còn lưu giữ một số hiện vật cổ rất quý giá từ thời Lê, thời Nguyễn. Có thể kể đến pho tượng Mẫu cổ bằng đồng, cao khoảng 60 cm. Hiện pho tượng này được đặt tại cung Mẫu Đệ Nhất; Một Chiếc trống đồng cổ được đúc theo kiểu trống da, có tang và đai trống, nhưng âm thanh chẳng khác gì trống đồng Đông Sơn. Chiếc trống này được đúc thời Vua Thành Thái, tức năm Giáp Thìn (1904) do tri phủ Nguyễn Hưng Trần Tướng Công cùng phu nhân cống tiến. Đặc biệt, tại đền còn lưu giữ hai tấm bia đá xanh ngọc bích tựa đề “Nguyệt Du cung bi ký” đều khắc vào năm Bảo Đại thứ 4 (1929). Ngoài ra, trong đền có một số cổ vật quý như đôi chéo có khắc chữ chìm, bát hương lớn bằng sứ cao 50 cm, in chìm dòng chữ “Tiên Hương – Nguyệt Du Cung”…
Hiện trong đền còn có một số câu đối cổ. Chẳng hạn:
Thiên bản địa linh lưu Thánh tích
Nguyệt du thuỷ hoạt tố tuyên nguyên.
Dịch nghĩa:
Thiên Bản đất thiêng in dấu Thánh
Nguyệt Du nước chảy dõi nguồn tiên.
Hay câu đối:
Mẫu Nghi vọng trọng Côi Sơn Thạch
Tử dục đàm ân vị Thuỷ ba.
Dịch nghĩa:
Dáng hình Mẫu sừng sững như đỉnh Non Côi
Tình thương con tràn trề tựa sóng sông Vị
Lăng Thánh Mẫu
Lăng Thánh Mẫu là một di tích không tách rời với Phủ Bóng- Nguyệt Du Cung. Nơi đây, trước đây dân trong làng mỗi khi có bệnh thường ra đây hai lá bẻ cành về sao vàng rồi sắc nước uống nên rất nhiều người đã khỏi bệnh. Thời Minh Mệnh (1820 – 1840) quan huyện Vụ Bản cho người xây gạch quanh ngôi mộ cổ nhưng chỉ xây một bệ nhỏ cho mọi người đến đặt lễ. Năm 1938, vua Bảo Đại đã cho “Hội xuân kinh” triều đình Huế tiến hành hưng công xây dựng khu lăng Mẫu.
Lăng Thánh Mẫu |
Tương truyền năm 1937, Vua Bảo Đại lấy vợ đã lâu nhưng không có con nên Nam Phương Hoàng Hậu đến cầu tự ở Đền Sòng và được Mẫu ban cho Hoàng Tử Bảo Long. Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã báo mộng cho Hoàng Hậu biết mộ của mình ở ngôi Miếu xứ cây đa Phủ Dầy. Để trả ơn đó Vua Bảo Đại đã cho dựng lăng để tạ ơn Mẫu Liễu Hạnh. Theo học giả Trần Đăng Ngọc thì: “Năm 1938 Vua Bảo đại đã cho “hội xuân Kinh” triều đình Huế tiến hành hưng công xây dựng khu lăng Mẫu hoàn toàn bằng đá xanh và 60 búp sen hồng”.