Trang

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2016

Sự tích Ông Hoàng Bảy

       Ông Hoàng Bảy được thờ chính tại đền Bảo Hà, Lao Cai. Vì vậy, Ông còn được gọi là Ông Bảy Bảo Hà.  Ông Hoàng Bảy là ai? Sự tích Ông Hoàng Bảy thế nào? Đó là những câu hỏi mà mọi người hết sức quan tâm.   

   Sự tích Ông Hoàng Bảy   

       Sự tích Ông Hoàng Bảy Bảo Hà có khá nhiều dị bản khác nhau. Tuy nhiên, theo các tài liệu có sự đáng tin thì sự tích Ông Hoàng Bảy như sau:
       Vào thời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng 1740 - 1786, khắp vùng Bảo Hà và biên cương phía bắc, giặc giã bên Trung Quốc tràn sang cướp phá, các tù trưởng cát cứ đánh phá lẫn nhau. Tạo nên một thế nguy hiểm: Thù trong, giặc ngoài. Vì vậy, Triều đình đã của một danh tướng tên là Nguyễn Hoàng Bảy lên trấn thủ biên ải. Đối với giặc ngoại xâm, Tướng Nguyễn Hoàng Bảy đánh đâu thắng đó, phá tan thế giặc ngoại xâm. Đối với nội bộ, Tướng Nguyễn Hoàng Bảy đã có công chiêu dụ các thổ ti, tù trưởng, thổ hào quanh vùng đoàn kết quanh ông thanh một khối đoàn kết thống nhất. Bảo Hà trở thành một căn cứ quân sự lớn bảo vệ biên ải của Tổ quốc.
       Ông đã được các triều vua phong tặng mỹ tự: "Trần An Hiển Liệt" và "Thần Vệ Quốc".       Trong một trận chiến không cân sức sau này, ông đã anh dũng hy sinh. Thân xác ông trôi dạt vào đất Bảo Hà ngày nay. Nhân dân ngậm ngùi thương nhớ và đã lập đền thờ ông.



       Như vậy, Ông Hoàng Bảy là một nhân thần, hay một nhân vật lịch sử có thật được thần thánh hóa là con trai của Vua Cha Bát Hải Động Đình và là ông Hoàng thứ bảy trong Tứ Phủ Thánh Hoàng. Tuy vậy, cũng chưa có tài liệu chính thống nào khẳng định về thân thế của Ông Hoàng Bảy.

      Tại sao khi lễ Ông Hoàng Bảy hay dâng trà Ô Long và thuốc phiện?

       Để có thể thu phục được các thổ ti, tù trưởng thì quan Hoàng Bảy không chỉ dùng biện pháp quân sự mà còn bằng sự thu phục nhân tâm. Để thu phục nhân tâm ông đã chủ động hòa nhập vào cuộc sống của các tù trưởng thô ti như uống trà, đánh bạc, hút thuốc phiện.... Có lẽ vì vậy, cứ nói đến ông Hoàng Bảy là chúng ta nghĩ đến một vị quan ăn chơi bậc nhất trong các vị thánh. Tuy vậy, sự ăn chơi của ông không phải là thú vui của ông mà chính là cách ông tiếp cận với các thổ ti, tù trưởng và sau đó cảm hóa họ để tạo nên sự đoàn kết và ổn định biên cương tổ quốc. 
      Tuy vậy, việc dâng ông thuốc phiện là phạm pháp, chúng ta chỉ nên dâng ông Hoàng Bảy trà tàu và thuốc lá là được. Nên nhớ rằng nhà thánh cũng không bao giờ ủng hộ chúng ta vi phạm pháp luật
        Việc dân gian dâng ông Hoàng Bảy trà tầu, thuốc phiện nên có nơi cho rằng sự tích Ông Hoàng Bảy chính là nơi thờ một kẻ buôn thuốc phiện là một sự sai lầm và bôi nhọ danh sáng của Ông Hoàng Bảy.

     Sự phối thờ của Ông Hoàng Bảy

     Trong các đền phủ thì cung Tứ Phủ quan Hoàng thường được phối thờ của 3 vị quan hoàng: Quan Hoàng Bơ Phủ, Quan Hoàng Bảy và Quan Hoàng Mười, hoặc đôi khi Ông Hoàng Bảy được phối thờ một cung riêng.
     
     Một khảo dị về thần tích Quan Hoàng Bảy:

       Có một tương truyền khác về Quan Hoàng Bảy như sau:  Vùng Bảo Hà và lân cận là một vùng giặc giã, mà chưa tướng quân nào bình định nổi:  Giặc tầu thường xuyên xâm lấn bờ cõi, các thổ ti, tù trưởng đánh nhau liên miên. Trước tình hình đó, triều đình đã cử Tướng Quân Nguyễn Hoàng Bảy lên trấn ải vùng biên cương này. Với tài năng xuất chúng về thao lược của Ngài, giặc tầu không dám vào xâm lấn, các thổ ti, tù trưởng đã đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Quan Hoàng Bảy. Có quan Hoàng Bảy, một vùng biên cương xưa đầy binh đao, khói lửa nay đã hết sức thanh bình. Lòng dân phấn khởi và cảm phục tài năng, đức độ của Ngài, coi ngài như một vị thánh sống. Uy danh của Ngài vang dội không chỉ ở vùng biên cương xa xôi mà còn lan tỏa khắp đất nước. Chính vì thế, trong triều đình có kẻ nghi kị với ông nên đã xàm tấu với triều đình: Nếu để Nguyễn Hoàng Bảy mãi ở nơi này thì e rằng có ngày Ông sẽ làm phản bởi danh sáng của Ngài đã bao trùm hết cả lòng dân. Nếu triệu Ông về thì e rằng ông đoán được sự việc, tốt nhất là trừ khử đi để trừ họa về lâu dài. Triều đình đã nghe lời xàm tấu đó, nhưng không dám ra mặt, nên cử một toán quân nhỏ giả làm giặc tầu phục kích Ông. Khi đó, Ông đi tuần thú nên chỉ mang theo ít quân hầu. Bị bất ngờ phục kích, cuộc chiên chênh lệch,  nên cha con Nguyễn Hoàng Bảy đã anh dũng hy sinh. Lũ quân quan triều đình sau khi giết được cha con ông đã vứt hai cha con xuống sông. Nhân dân đã vớt được xác cha con ông. Tưởng nhớ công ơn của hai cha con, nên nhan dân đã  lập đền thờ ông (nay là đền Quan Hoàng Bảy Bảo Hà) và thờ con gái Ông là Nguyễn Hoàng Bà Xa (đền Cô Tân An ngày nay).
     
       Mộ Ông Hoàng Bảy 

         Tại Trại Cau, Đồng Hỷ, Thái Nguyên có một ngôi đền gọi là đền Đá Thiên hay đền Hoàng Bảy Đá Thiên. Tại đền này có một ngôi mộ Quan Hoàng Bảy. Có giả thuyết cho rằng quê gốc Quan Hoàng Bẩy, Bảo Hà là ở Thái Nguyên xưa, sau khi mất, mộ ông được di rời về đây. Hiện trạng là một lăng mộ mới được xây ít năm gần đây trên nấm đất mối đùn thành gò (chưa kiểm chứng qua lịch sử). Có giả thuyết lại nói rằng đền này thờ ông có tên là Hoàng Bẩy là thủ lĩnh của vùng, có công giúp dân trong khai hoang, lập ấp, chăn nuôi... Sau khi mất nhân dân tưởng nhớ ông lập đền thờ ông. Như vậy, theo giả thuyết này đây không phải là Quan Hoàng Bẩy, trong tứ phủ... Tuy vẫn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về Đền Hoàng Bẩy Đá Thiên nhưng trong tâm linh của không ít người, nơi đây là  nơi thờ Quan Hoàng Bẩy trong tứ phủ.
        Những ai chưa có dịp dâng hương tưởng nhớ ngài từ Bảo Hà, Lào Cai vẫn có thể về đây dâng lễ. Tại Đá Thiên hôm nay, ngoài lăng mộ của ông đã có thêm Lầu thờ Đức vua cha Ngọc Hoàng, Thượng đế và quan Nam Tào - Bắc Đầu; Một động sơn trang hình quả núi, trên đỉnh núi có thờ Quốc mẫu Âu Cơ, bên trong động thờ Tam tòa Chúa bói, Tứ phủ Thánh chầu và các Cô Sơn trang. Hiện đã có nhiều người dân theo tín ngưỡng Tứ Phủ đến đền hầu thánh và mở phủ .... ( Theo Nguyễn Thị Hậu).
       Bình luận thêm: Tuy nhiên, nơi đây hình như không có sắc phong nào của các triều đại phong kiến về ngôi đền. Nếu giả thiết rằng nơi đây là mộ ông thì không lẽ các triều đại bỏ quên không sắc phong cho đền. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có thể coi đây là nơi thờ vọng của Ông Bảy Bảo Hà. 
       Ngôi đền có từ bao giờ, mộ mới được xây gần đây do ai đứng ra xây, người viết nếu có dịp tìm hiểu và kiểm chứng sẽ cung cấp cho bà con sau.