Trang

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

PHỦ TIÊN HƯƠNG - KHU QUẦN THỂ TÂM LINH PHỦ DẦY

     Phủ Tiên Hương thuộc thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định; nằm cạnh đường giao thông liên xã. Phủ Tiên Hương là phủ chính trong quần thể di tích Phủ Dầy và cũng là nơi thờ chính của Thánh Mẫu Liễu Hạnh.


Đền chính của Phủ Tiên Hương

Thần tích về Mẫu Liễu Hạnh

      Mẫu Liễu Hạnh có 3 lần giáng sinh, tóm tắt như sau:
  •     Lần thứ nhất Mẫu giáng sinh vào nhà họ Phạm ở Quảng Nạp, Vỉ Nhuế, Ý Yên Nam Định. Bà có tên Phạm Tiên Nga và hưởng thọ 40 tuổi. Nơi đây, hiện nay có Phủ Quảng Cung gắn liền với sự tích giáng sinh lần thứ nhất của Mẫu. 
  •  Lần thứ hai bà giáng vào nhà họ Lê ở An Thái, Vụ Bản, Nam Định. Bà kết duyên cùng Trần Đào Lang, đến năm 21 tuổi thì về trời; Nơi đây chính là khu tâm linh Phủ Dầy.
  • Lần thứ ba bà giáng hiện tại Nga Sơn, Thanh Hóa hạ trần để tái hợp cùng Mai Sinh là hậu kiếp của Trần Đào Lang được hơn một năm thì mãn hạn hồi tiên.

  • Lầu trước Phủ Thiên Hương

Thần tích về lần giáng sinh thứ hai của Mẫu Liễu Hạnh


     Tại thôn Vân Cát có gia đình ông Lê Thái công, vợ là Trần Thị Phúc ăn ở hiền lành, chuyên lo việc thiện đức. Họ chính là đầu thai chuyển thế của cha mẹ họ Phạm của Mẫu ở Vỉ Nhuế năm xưa.
      Khi hơn 40 tuổi, bà mới mang thai lần hai. Kỳ lạ là lần này đến kỳ mang thai này bà ông ăn được thịt cá, chỉ ăn hoa quả. Quá kỳ sinh nở mấy tháng mà không thấy sinh, ông Lê Thái Công tưởng ma quỷ nhiễu hại bèn mời thầy phù thủy về trừ tà nhưng bà vẫn không sinh.
     Một ngày thượng tuần tháng tám, đêm thanh trăng tỏ, có một đạo nhân ăn mặc lạ kì xin vào chữa bệnh, Lê Thái công nghe thấy liền mời vào, thiết lập hương án, đạo nhân xõa tóc hành pháp, rồi rút búa trong tay ném xuống đất, Thái công tức thì mê man và thiếp đi và trong khi đó ông đã mơ thấy được lên Thiên đường và thấy một nàng công chúa mặc xiêm y thanh thoát, hình dung sáng chói lỡ tay đánh rơi vỡ một chiếc chén ngọc. Khi tỉnh mộng thì đã lúc canh tàn, bà đã sinh ra một nữ tử, hương thơm ngào ngạt, ai ai cũng lấy làm vui mừng, lúc đó đạo nhân biến mất lúc nào không hay.
      Khi đó là giờ Dần ngày 15 tháng 8 năm Đinh Tỵ niên hiệu Thiên Hựu nguyên niên triều vua Lê Anh Tông (1557). Ông Thái công mới đặt Tiên chúa tên Thắng hiệu Giáng Tiên.
      Giáng Tiên lớn lên trở thành một người con gái sắc đẹp tuyệt trần, nết na ưa nhìn, hiền lành thục nữ, trần gian hiếm có người nào như vậy. Không những vậy kinh văn sách sử, học vấn của Người cũng uyên thâm khó bậc nam nhi nào sách so được. Cầm, kì, thi, họa mọi thứ Người đều am tường thấu tỏ tường tận.

 Phủ Tiên Hương ngày lễ hội
    Một hôm nhân nghe tiếng đàn của Tiên chúa gẩy, chợt Thái công nhớ tiếng đàn này giống tiếng đàn năm xưa khi ông nằm mộng lên Thiên đình, nghĩ con gái mình chắc chắn là người nhà trời, sợ rằng sẽ khó nuôi, nên đem cho ông Trần Công làm nghĩa nữ.
    Có hai vợ chồng ông Trần lão quan gần làng bên, không con cháu, một hôm dạo chơi gió mát trăng thanh, tự nhiên thấy ai bỏ một đứa trẻ ở bên gốc đào, ông Trần lão quan mới đem về nuôi đặt tên là Trần Đào Lang.
     Đến năm Quý Dậu (1573) Gia Thái nguyên niên triều Lê Thế Tông, chàng Đào Lang 21 tuổi, đức Tiên chúa 17 tuổi, nhân lúc Trần Đào Lang sang nhà Trần lệnh công, thấy Tiên chúa đẹp tuyệt trần lại tài hoa vẹn đủ mới đem lòng yêu mến, mới đến cầu hôn.
     Thoạt đầu, Tiên chúa không ý định thành hôn, chỉ muốn ở với mẹ cha phụng dưỡng, nhưng sau đó cha mẹ vun vào, và cũng cảm mến chàng Đào hiếu học, Tiên chúa đồng ý và hôn lễ được tác thành khi Tiên chúa 18 tuổi.
    Về gia đình chồng, luôn giữ phép với cha mẹ chồng, giữ đạo vợ chồng, cuộc sống hạnh phúc và hai người đã khai sinh ra một nam tử đặt tên Trần Nhân, cảnh gia đình thật vui vầy sướng ca.
    Nhưng mãn hạn cõi trần gian, Tiên chúa không bệnh mà mất, hưởng dương được 21 tuổi, Chúa hồi loan vào giờ Dần ngày 03 tháng 03 năm Đinh Sửu niên hiệu Gia Thái ngũ niên triều vua Lê Thế Tông (1577).

Chuyện Mẫu Liễu Hạnh hiển linh sau khi hóa

    Tiên chúa về chốn Thiên cung, trần duyên chưa hết, trong lòng còn bồi hồi không nguôi, được ba ngày trên Thiên giới, tức là 3 năm dưới hạ, vừa vào dịp đại tường của Tiên chúa (tức năm Kỷ Mão Quang Hưng nhị niên Vua Lê Thế Tôn 1579), một hôm bà Trần Thị (vợ ông Lê Thái công) vào phòng của Tiên chúa khi xưa  thấy lòng đau dạ xót, nước mắt chứa chan rồi ngất đi.
    Bỗng nhiên một cơn gió mát thổi đến, bà bừng tỉnh rồi thấy Tiên chúa hiện thân ôm lấy bà mà khóc, lúc đó Lê Thái công và hai ông bà Trần Công cùng người anh Lê Lục thấy vậy vội vã chạy vào nửa mừng nửa lo, chàng Đào Lang cũng vừa bồng con trên tay vừa than khóc thê lương.
     Tiên chúa mới gạt nước mắt tâu rằng: “Con là Thiên tiên, chẳng phải người phàm, không phải không muốn ở cùng phụ mẫu song thân và phu quân, huynh đài, con cái, nhưng vì Thiên mệnh không khác, mong mọi người chớ sầu bi ai oán, công đức cao vời gia đình đều có Tiên tịch, mong ngày sớm hội ngộ mọi người chốn Thiên cung”
     Dặn dò xong xuôi, Tiên chúa lạy tạ gia đình, lưu luyến mãi không dứt, xong rồi Tiên chúa biến mất.
     Đào Lang càng thương nhớ Tiên chúa, việc học dở dang, con cái nheo nhóc, Tiên chúa động lòng ray rứt không nguôi, ngày đêm đều ngóng trông về nhà xưa quê cũ, thấy Trần Đào như vậy Tiên chúa lại một lần nữa hiện thân.
       Đang ru con ngủ, Đào Lang thấy có tiếng gọi, chàng đứng dậy nhìn, nửa mờ nửa tỏ thấy Tiên chúa đã hiện ngay trước mặt mình, chàng níu áo Tiên chúa mà khóc, Tiên chúa an ủi: “Ta là Thiên tiên, chàng cũng mang Thiên tộc, nhân duyên tiền định, ắt sẽ gặp lại, không bao lâu nữa, Ta với chàng sẽ lại tái hợp” Tiên chúa lại nhờ Đào lang thường xuyên viếng thăm cha mẹ đôi bên của Tiên chúa, nuôi dạy con cái thật tốt, giữ trọn phần làm con. Nói xong Tiên chúa biến mất.
       Sau này, sau khi giúp chồng thành đạt, Mẫu Liễu bắt đầu vân du thiên hạ. Chiến tích lớn nhất của Mẫu là trận chiến với quân quan triều đình ở Đèo Ngang. Còn có thần tích về hai lần Thánh Mẫu đối chữ, họa thơ với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Sau này, Mẫu có quy y nhà Phật. Có lẽ vì thế mà Đạo Mẫu Việt Nam và Đạo Phật luôn song hành trong đời sống tâm linh của người Việt Nam chúng ta.
   


Hồ bán nguyệt trước Phủ Tiên Hương

Lịch sử Phủ Tiên Hương

     Phủ Tiên Hương được xây dựng từ thời Lê – Cảnh Trị (1663 – 1671) và đã qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn còn dấu tích của phủ cổ trước kia. Năm 1996 Phủ Tiên Hương đã được sửa chữa lớn.
      Phủ chính Tiên Hương được triều đình cho phép xây lập đền thờ Năm Dương Hoà thứ 8 (1642)lúc đó phủ còn hết sức đơn sơ. Từ thời Lê Cảnh Trị (1663 – 1671) đến năm 1841 được chuyển thành công trình gạch ngói. Năm Duy Tân thứ chín (1915) do tổng đốc Đoàn Triển cho xây dựng lớn như ngày nay. Phủ Tiên Hương tuy qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được dấu tích của phủ cổ trước kia.
        Hiện nay, Phủ chính Tiên Hương còn lưu giữ 15 đạo sắc phong thần cho Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đạo sớm nhất ghi ngày 10 tháng chạp năm Vĩnh Khánh thứ 2 (1730) phong Thánh Mẫu là Mã Vàng Công Chúa thượng đẳng thần, muộn nhất là đạo sắc ghi ngày 25/7/1924, năm Khải Định cửu niên phong Đức Thánh đệ Tam – Ngọc nữ Quang cung Quế Anh. Trong Phủ chính Tiên Hương còn lưu giữ nhiều cổ vật ghi rõ đây là phủ chính thờ Mẫu tại nơi Mẫu đầu thai. Đó là chiếc ấn đồng cổ đúc từ hàng trăm năm trước, trên ấn có hai chữ Hán ở lưng ấn: Phủ chính, nhiều cổ vật sứ cổ được khắc chữ nhấn mạnh đây là đồ tế tự của phủ chính…

Kiến trúc và các cung thờ Phủ Tiên Hương

      Khi đến phủ này, từ xa có thể nhìn thấy rõ vì phủ rất rộng. Từ ngoài bước vào chúng ta gặp ngay một giếng tròn mang ý nghĩa tụ thủy để tụ phúc, giữa giếng tròn là một ụ đất làm nơi cắm cờ mỗi khi mùa hội tới. Cán cờ là một cây tre hoặc một cây gỗ cao được dựng đứng lên, đầu cây buộc một túm lá hoặc một con quạ gỗ với ý nghĩa là thiên sứ của nhà trời. Cùng với túm lá (con quạ gỗ) là lá cờ thần lớn được treo lên đó. Tiếp đó là một sân lớn là nơi khi mùa hội tới là nơi sẽ biểu diễn xếp chữ và bán hàng lưu niệm. Sau sân lớn là ba phương đình với phương du ở giữa và hai bên phương đình làm nơi gác chuông, gác trống.
     Tiếp tới ba phương đình là một hồ bán nguyệt, xuống hồ bán nguyệt có hai cầu được lát bằng đá, đối xứng qua hồ, bên phải là nhà bia và lầu Cậu, bên trái là nhà bia và lầu Cô.
    Toàn khu phủ thờ ở Phủ Tiên Hương là sự liên kết của nhiều dãy nhà được nối liền với nhau. Trong một dãy nhà có sự phân chia thành nhiều gian riêng và gọi đó là một cung. Từ ngoài vào phía trước mặt gồm có những cung sau:
    Đầu tiên là cung Đệ Tứ thờ Tứ phủ công đồng hay còn gọi là ban Công Đồng. Đối xứng với cung Đệ Tứ bên trái là Ban Quan lớn Thủ phủ và bên phải là Ban Chầu Thủ phủ.


Động Sơn Trang Phủ Tiên Hương

   Tiếp theo là Ban thờ Đức Vua cha Ngọc Hoàng và Hội Đồng các quan hay Ngũ vị vương quan. Đây là cung Đệ Tam.

     Sau cung Đệ Tam là cung Đệ nhị. Cung này thờ Tứ Vị Chầu bà và ba bộ long ngai.
     Cung Đệ nhất là cung thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Cung này ở trong cùng. Tuy nhiên, đa phần nơi thờ Mẫu Tứ phủ có nội cung (cung cấm).
     Nội cung của Phủ Tiên Hương có khám kính đặt tượng đồng Mẫu Liễu Hạnh cùng với hai Mẫu Quang cung Quế Anh phu nhân và Quỳnh cung Duy Tiên phu nhân đều được phong thần và sắc phong. Nội cung không phải ai cũng được vào và vào bất cứ lúc nào. Chỉ được vào khi có sự đồng ý của những người trong ban quản lý phủ và những ngày có lễ hội.
    Bên cạnh dãy nhà thờ những cung chính còn có một dãy nhà được gọi là Ban Trần Triều. Trong dãy nhà này có đặt ban thờ Ban Trần Triều và Ban Đức Vương Phụ, Vương Mẫu.
     Phía sau dãy nhà chính là Động Sơn Trang, nơi này thờ bà Chúa Đệ Nhị Thượng ngàn Hai Chầu và mười hai cô Sơn Trang.
Thần tích Mẫu Liễu Hạnh

Lễ hội Phủ Dày

     Hội Phủ Dầy được tổ chức hàng năm vào tháng 3 âm lịch. Lễ hội nhằm tổ chức nghi lễ, thắp hương biết ơn bà chúa Liễu Hạnh. Cùng thời điểm này, bà Chúa Liễu Hạnh cũng được thờ tại nhiều lễ hội khác trên Việt Nam, nhưng hội Phủ Dầy thuộc vào loại long trọng nhất, với sự tham gia của đông đảo dân chúng.


Lễ hội Phủ Dầy

    Thành ngữ dân gian một số nơi ở miền Bắc có câu:

Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ
   Cha là Đức thánh Trần Hưng Đạo, còn Mẹ chính là bà Chúa Liễu Hạnh.

Cụm di tích tâm linh Phủ Dầy

      Quần thể tâm linh Phủ Dầy bao gồm hơn 20 di tích gắn liền với cuộc đời bà chúa Liễu Hạnh trong lần giáng sinh thứ 2. Trong đó, kiến trúc quan trọng nhất là Phủ chính Tiên Hương, Phủ Vân Cát và Lăng bà chúa Liễu Hạnh. Ngoài ra, còn có Phủ Bóng (Đền Cây Đa Bóng), phủ Giáp Ba, phủ Bất Di, đền Công Đồng, phủ Đá, phủ Nội, phủ Tổ (Khải Thánh), đền Chầu Bà Đệ Tứ Khâm Sai, đền Mẫu Thượng, đền Mẫu Thoải, đền Trình, đền Đức Vua, đền Quan Lớn, đền Mẫu Đông Cuông, đền thờ Lý Nam Đế, chùa Dần, chùa Gôi, chùa Vân Cát, chùa Tiên Hương, chùa Linh Sơn...
Lăng Mẫu Liễu Hạnh

    Phủ Tiên Hương được coi là phủ chính của Mẫu Liễu Hạnh và thờ bên chồng của Mẫu, còn phủ Vân Cát và Phủ Tổ là nơi thờ Mẫu và bên ngoại (bên bố mẹ đẻ) của Mẫu. Phủ Bóng Nguyệt Du Cung là nơi sau khi Mẫu hóa, Mẫu hay vân du trở về.
    Phủ Tiên Hương cùng với Phủ Vân Cát, Phủ Bóng- Nguyệt Du Cung, Phủ Tổ, Lăng Thánh Mẫu tạo thành cụm thánh tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh.