Trang

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

Phủ Dầy và Thánh Mẫu Liễu Hạnh

      
        Phủ Dầy là một quần thể di tích tâm linh gắn liền đến sự giáng sinh lần thứ hai của mẫu Liễu Hạnh. Quần thể di tích tâm linh này nằm chủ yếu tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
        Phủ Dầy là một quần thể di tích lịch sử văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1975.

Lầu trong khuôn viên Phủ Tiên Hương

Tại sao nơi đây có tên là Phủ Dầy

      Phủ Dày còn gọi là Phủ Giầy hay Phủ Giày). Mỗi tên gọi được gắn với những huyền thoại khác nhau về vùng đất.

  •  Phủ Giầy xuất phát từ truyền thuyết Bà Chúa Liễu Hạnh vì quá nhớ thương gia đình, chồng con nên đã để lại một chiếc giầy ở trần gian trước khi về thượng giới hoặc có huyền thoại: Vua đi qua vùng này và nghỉ đêm ở quán hàng của bà chúa Liễu Hạnh, sau đó được tặng một đôi giầy nên đã lập nơi thờ tự và gọi đó là Phủ Dầy.
  •  Khi gọi Phủ Dầy còn vì chính nơi này có món bánh dày – giò nổi tiếng, lại có người cho rằng: Kẻ Dày xuất phát từ nơi có gò đất nổi lên hình bánh dầy trước cửa phủ.
Cảnh Phủ Tiên Hương

      Theo sử sách thì Phủ Dầy ngày nay bắt nguồn từ tên một làng cổ là “Kẻ giầy”. Nơi đó, vào thời vua Tự Đức ( 1860) được chia là hai thôn: Vân Cát và Tiên Hương.
       Như vậy, Vân Cát là nơi Mẫu được sinh ra, Tiên Hương là quê chồng và là nơi chôn cất Mẫu Liễu Hạnh. Như vậy, Phủ Dầy chính là "cái nôi" Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần thứ hai.

Quần thể di tích tâm linh Phủ Dầy

       Quần thể di tích tâm linh Phủ Dầy có đến 19 di tích tâm linh, chủ yếu liên quan đến Mẫu Liễu Hạnh. Tuy nhiên, tại Phủ Dầy có ba di tích lớn gắn liền với thần tích Mẫu Liễu Hạnh. Tiêu biểu là Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát và Lăng Mẫu Liễu. Những di tích này cũng là di tích trực tiếp thờ phụng Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Ngoài ra, còn hơn chục đền phủ, chùa chiền có liên quan đến Mẫu Liễu Hạnh. 

Cửa Ngọ Môn Phủ Vân Cát
      Ngoài ba địa điểm chính trên Quần thể Di tích Tâm Linh Phủ Dày còn có các di tích tâm linh sau:
      1. Đền thờ Mẫu Đông Cuông (Mẫu Thượng Ngàn): Đền nằm ngay sát đường chính.
      2. Đền Quan Lớn: Đền nằm dưới chân núi Ngắm . Đền thờ Quan Lớn Đệ Tam
      3. Đền Đức Vua Cha: Đường vào chân núi.
      4. Đền Chầu Đệ Tứ: Nằm trên đường chính.
      5. Đền Mẫu Thoải và Cô Chín: Nằm trên đường từ Phủ Bóng Vân Du đi vào Phủ Vân cát
      6. Đền Mẫu Thượng: Đền nằm trên núi.
      7. Đền Trình Phủ Dày: Nằm trên đường chính về phía đường 10.
      8. Đền Trình Phủ Tiên Hương: Nằm trên đường vào Phủ Tiên Hương.
      9. Phủ Bóng Nguyệt Du Cung: Nằm cạnh Lăng Thánh Mẫu.
    Ngoài ra, chúng ta có thể đến 2 chùa lớn là:
      1. Chùa Tiên Hương: Ngôi chùa lớn nhất quần thể đã cơ bản được trung tu xong với kiến trúc hết sức độc đáo.
      2. Chùa Linh Sơn: Ngôi chùa cổ nằm trên núi.

 Phủ Tiên Hương

        Quần thể di tích Tâm Linh phủ Dầy có đến 4 địa điểm chính thờ Mẫu Liễu Hạnh. Phủ Tiên Hương được coi là nơi thờ chính của Mẫu Liễu Hạnh, là nơi thờ Mẫu và bên chồng của Mẫu. Phủ Vân Cát là nơi thờ Mẫu và bên ngoại của Mẫu (bên bố mẹ đẻ). Phủ Bóng Nguyệt Du cung là nơi hiển linh của Mẫu sau khi hóa. Lăng Mẫu là nơi quàn của Mẫu sau khi về trời. Như vậy, có thể coi Phủ Tiên Hương là nơi thờ chính của Mẫu Liễu Hạnh.
Phủ Tiên Hương

      Phủ chính Tiên Hương được triều đình cho phép xây lập đền thờ 1642. Lúc đó phủ còn hết sức đơn sơ. Từ thời Lê Cảnh Trị (1663 – 1671) đến năm 1841 được chuyển thành công trình gạch ngói. Năm Duy Tân thứ chín (1915) do tổng đốc Đoàn Triển cho xây dựng lớn như ngày nay. Phủ Tiên Hương tuy qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được dấu tích của phủ cổ trước kia.
        Hiện nay, Phủ chính Tiên Hương còn lưu giữ 15 đạo sắc phong thần cho Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đạo sớm nhất ghi ngày 10 tháng chạp năm Vĩnh Khánh thứ 2 (1730) phong Thánh Mẫu là Mã Vàng Công Chúa thượng đẳng thần, muộn nhất là đạo sắc ghi ngày 25/7/1924, năm Khải Định cửu niên phong Đức Thánh đệ Tam – Ngọc nữ Quang cung Quế Anh. Trong Phủ chính Tiên Hương còn lưu giữ nhiều cổ vật ghi rõ đây là phủ chính thờ Mẫu tại nơi Mẫu đầu thai. Đó là chiếc ấn đồng cổ đúc từ hàng trăm năm trước, trên ấn có hai chữ Hán ở lưng ấn: Phủ chính, nhiều cổ vật sứ cổ được khắc chữ nhấn mạnh đây là đồ tế tự của phủ chính…

Phủ Vân Cát

      Đền được xây dựng từ thời vua Lê Cảnh Thịnh (1663 - 1671). Khoảng đời Cảnh Thịnh (1794 - 1800) hội nguyên Trần Gia Du, thiếu tả giám Trần Công Bản đã mở rộng ra. Đến năm Kỷ Mão (1879) đời Tự Đức, quan huyện Lê Kỳ đã sửa lợp lại. Năm Thành Thái thứ 10 (1898) đền phủ bị hư hại nhiều vì mưa gió nên các quan huyện... cùng các bậc thân hào đứng ra sửa. Đến năm Thành Thái thứ 12 (1900) thì hoàn thành.

Ngũ Môn Phủ Vân Cát

 Lăng Thánh Mẫu Liễu Hạnh:  

      Lăng được xây dựng vào thời Vua Minh Mệnh ( 1820 - 1840) với ban đầu chủ là một bệ nhỏ. Năm 1937, vua Bảo Đại hưng công xây dựng, tu bổ. "Tương truyền năm 1937, Vua Bảo Đại lấy vợ đã lâu nhưng không có con nên Nam Phương Hoàng Hậu đến cầu tự ở Đền Sòng và được Mẫu ban cho Hoàng Tử Bảo Long. Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã báo mộng cho Hoàng Hậu biết mộ của mình ở ngôi Miếu xứ cây đa Phủ Dầy.

Lăng Mẫu Liễu Hạnh

 Để trả ơn đó Vua Bảo Đại đã cho dựng lăng để tạ ơn Mẫu Liễu Hạnh. Khu lăng Mẫu được xây hoàn toàn bằng đá xanh và 60 búp sen hồng”.

Phủ Bóng- Nguyệt Du Cung

      Phủ Bóng còn gọi là Nguyệt Du Cung. Tương truyền sau khi đã về trời,  vào những đêm trăng sáng Liễu Hạnh công chúa lại dẫn một đoàn tiên nữ xuống quây quần múa hát bên gốc cây đa. Dân làng thầm lặng dõi theo dần dần nhận ra đây là điềm linh thiêng, linh ứng mới bàn nhau lập miếu thờ dưới gốc cây đa nên thường gọi là đền Cây Đa Bóng hay Phủ Bóng.
Tam Quan Phủ Bóng Nguyệt Du Cung

     Sau đó những người thường thấy Tiên Chúa và tiên nữ múa hát dưới trăng lại đặt tên đền là Nguyệt Du Cung.

Các lần giáng sinh của Mẫu Liễu Hạnh

     Mẫu Liễu Hạnh có 3 lần giáng sinh: 
     +Lần thứ nhất bà giáng vào nhà họ Phạm ở Quảng Nạp, Vỉ Nhuế, Ý Yên Nam Định. Bà có tên Phạm Tiên Nga và hưởng thọ 40 tuổi.
     +  Lần thứ hai bà giáng vào nhà họ Lê ở An Thái, Vụ Bản, Nam Định. Bà kết duyên cùng Trần Đào Lang, đến năm 21 tuổi thì về trời.
     + Lần thứ ba bà giáng hiện tại Nga Sơn, Thanh Hóa hạ trần để tái hợp cùng Mai Sinh là hậu kiếp của Trần Đào Lang được hơn một năm thì mãn hạn hồi tiên.
     Quần thể di tích tâm linh Phủ Dày là nơi Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần thứ hai và được coi là nơi thờ chính của Mẫu Liễu Hạnh.

Thần tích về sự giáng sinh của Mẫu Liễu Hạnh tại Phủ Dầy

      Truyền thuyết kể rằng: Tại thôn Vân Cát có gia đình ông Lê Thái công, vợ là Trần Thị Phúc ăn ở hiền lành, chuyên lo việc thiện đức. Họ chính là đầu thai chuyển thế của cha mẹ họ Phạm của Mẫu ở Vỉ Nhuế năm xưa.
Phủ Vân Cát
      Khi hơn 40 tuổi, bà mới mang thai lần hai. Kỳ lạ là lần này đến kỳ mang thai này bà ông ăn được thịt cá, chỉ ăn hoa quả. Quá kỳ sinh nở mấy tháng mà không thấy sinh, ông Lê Thái Công tưởng ma quỷ nhiễu hại bèn mời thầy phù thủy về trừ tà nhưng bà vẫn không sinh.
     Một ngày thượng tuần tháng tám, đêm thanh trăng tỏ, có một đạo nhân ăn mặc lạ kì xin vào chữa bệnh, Lê Thái công nghe thấy liền mời vào, thiết lập hương án. Đạo nhân xõa tóc hành pháp, rồi rút búa trong tay ném xuống đất. Thái công tức thì mê man và thiếp đi. Trong khi thiếp đi ông đã mơ được lên Thiên đường và thấy một nàng công chúa xinh đẹp tuyệt trần lỡ tay đánh rơi vỡ một chiếc chén ngọc của Ngọc Hoàng. Khi tỉnh mộng thì đã lúc canh tàn, bà đã sinh ra một nữ tử, hương thơm ngào ngạt, ai ai cũng lấy làm vui mừng. Mọi người nhhìn quanh thì không thấy đạo nhân đâu nữa.
Lễ Hội Phủ Dầy
      Khi đó là giờ Dần ngày 15 tháng 8 năm Đinh Tỵ niên hiệu Thiên Hựu nguyên niên triều vua Lê Anh Tông (1557). Ông Thái công mới đặt Tiên chúa tên Thắng hiệu Giáng Tiên.
      Giáng Tiên lớn lên trở thành một người con gái sắc đẹp tuyệt trần, nết na ưa nhìn, hiền lành thục nữ, trần gian hiếm có người nào như vậy. Không những vậy kinh văn sách sử, học vấn của Người cũng uyên thâm khó bậc nam nhi nào sách so được. Cầm, kì, thi, họa mọi thứ Người đều am tường thấu tỏ tường tận.
    Một hôm nhân nghe tiếng đàn của Tiên chúa gẩy, chợt Thái công nhớ tiếng đàn này giống tiếng đàn năm xưa khi ông nằm mộng lên Thiên đình, nghĩ con gái mình chắc chắn là người nhà trời, sợ rằng sẽ khó nuôi, nên đem cho ông Trần Công làm nghĩa nữ.

Ngày xuân ở Phủ Tiên Hương
    Có hai vợ chồng ông Trần lão quan gần làng bên, không con cháu, một hôm dạo chơi gió mát trăng thanh, tự nhiên thấy ai bỏ một đứa trẻ ở bên gốc đào, ông Trần lão quan mới đem về nuôi đặt tên là Trần Đào Lang.
     Đến năm Quý Dậu (1573) Gia Thái nguyên niên triều Lê Thế Tông, chàng Đào Lang 21 tuổi, đức Tiên chúa 17 tuổi, nhân lúc Trần Đào Lang sang nhà Trần lệnh công, thấy Tiên chúa đẹp tuyệt trần lại tài hoa vẹn đủ mới đem lòng yêu mến, mới đến cầu hôn.
     Thoạt đầu, Tiên chúa không ý định thành hôn, chỉ muốn ở với mẹ cha phụng dưỡng, nhưng sau đó cha mẹ vun vào, và cũng cảm mến chàng Đào hiếu học, Tiên chúa đồng ý và hôn lễ được tác thành khi Tiên chúa 18 tuổi.

Ngày xuân ở Phủ Vân Cát
    Về gia đình chồng, luôn giữ phép với cha mẹ chồng, giữ đạo vợ chồng, cuộc sống hạnh phúc và hai người đã khai sinh ra một nam tử đặt tên Trần Nhân, cảnh gia đình thật vui vầy sướng ca.
    Nhưng mãn hạn cõi trần gian, Tiên chúa không bệnh mà mất, hưởng dương được 21 tuổi, Chúa hồi loan vào giờ Dần ngày 03 tháng 03 năm Đinh Sửu niên hiệu Gia Thái ngũ niên triều vua Lê Thế Tông (1577).