Trang

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

Phủ Vân Cát

       Phủ Vân Cát là một di tích chính nằm trong Quần thể du lịch tâm linh Phủ Dầy. Phủ Vân Cát nằm ở phía bắc thôn Vân Cát thuộc xã Kim Thái, cách Phủ Tiên Hương chừng 1 km. Từ Phủ Tiên Hương đi thẳng tới ủy ban nhân dân xã Kim Thái, bên phải đi tới Lăng Mộ Thánh Mẫu, còn đi về bên trái là đi tới Phủ Vân Cát.

Ngũ Môn Phủ Vân Cát
       Khu di tích tâm linh Phủ Dầy là nơi tâm linh gắn liền với sự giáng sinh lần thứ hai của Mẫu Liễu Hạnh. Tại Phủ Dầy, phủ Tiên Hương là nơi thờ chính của Mẫu, gắn liền với quê chồng của Mẫu. Phủ Vân Cát là nơi thờ bên ngoại của Mẫu tức là nơi Mẫu được sinh ra. Riêng thân phụ và thân mẫu của Mẫu được thờ tại Phủ Tổ.

Lầu Phương Du trước Ngũ Môn của Phủ Vân Cát

Lịch sử Phủ Vân Cát

      Đền được xây dựng từ thời vua Lê Cảnh Thịnh (1663 - 1671). Khoảng đời Cảnh Thịnh (1794 - 1800) hội nguyên Trần Gia Du, thiếu tả giám Trần Công Bản đã mở rộng ra. Đến năm Kỷ Mão (1879) đời Tự Đức, quan huyện Lê Kỳ đã sửa lợp lại. Năm Thành Thái thứ 10 (1898) đền phủ bị hư hại nhiều vì mưa gió nên các quan huyện... cùng các bậc thân hào đứng ra sửa. Đến năm Thành Thái thứ 12 (1900) thì hoàn thành.


 Kiến trúc Phủ Vân Cát

      Phủ Vân Cát là một công trình kiến trúc quy mô, được xây biệt lập trên một khu đất rộng gần một hecta. Phủ Vân Cát quay về hướng Tây Bắc, trước mặt là cánh đồng lúa. Kiến trúc phủ Vân theo kiểu “nội trùng thiêm, ngoại chữ quốc”, nghĩa là các toà nhà chính bên trong song song chung thềm, hai bên có hành lang nhà ngang, mặt trước có ngọ môn khép kín.

Mái phủ cổ kính của Phủ Vân Cát

     Tuy bị hư hỏng nặng, nhưng đến nay Phủ Vân vẫn còn bảy toà với ba mươi gian lớn nhỏ. Cung Đệ Nhất mái cong, làm theo kiểu chồng diêm tám mái. Trên các thành phần kiến trúc được chạm khắc phượng múa theo nhiều dáng, “quy” (rùa) ẩn hiện nơi ao sen, bầy “ly” vui đùa uốn lượn ở các góc xà, đầu bẩy...

Tượng Ngũ Vị tôn Ông trong Phủ Vân Cát

    Hệ thống cửa Ngọ môn xây dựng theo kiểu chồng diêm ba tầng, với hàng chục cột trụ, năm gác lâu, tường bao quanh, nhiều văn bia được đặt dưới Ngọ Môn, ghi chép về việc Bà chúa Liễu giáng sinh và sự đóng góp tiền của những người hảo tâm xây dựng đền. Phía ngoài Ngọ Môn có hồ bán nguyệt, giữa hồ là thủy lâu, ba gian, mái cong. Công trình này được gia công rất công phu, từ viên đá ghép móng, hệ thống lan can chung quanh hồ với các họa tiết “tứ linh”, “tứ quý”, đến hai cầu đá bắc qua hai đầu hồ vào thủy lâu cũng thể hiện tài nghệ của các nghệ nhân xưa.

Một góc của Ngũ Môn của Phủ Vân Cát

     Nội phủ có bốn cung. Cung đệ nhất và cung đệ nhị đều ba gian, được tôn tạo và mở rộng từ đời Tự Đức năm Kỷ Mão (1879). Cả hai cung này đều bị giặc Pháp phá hủy bằng ném bom, năm 1959 dân làng xây dựng lại cung đệ nhất còn cung đệ nhị mới được tôn tạo lại năm 1992. Cung đệ nhất là chính cung khép kín, cung này thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, tượng bằng đồng gồm có Mẫu Thượng Thiên ngồi giữa, Mẫu Thượng Ngàn bên trái, Mẫu Thoải bên phải. Cung đệ nhị thờ Tứ vị chầu Bà và Tam tòa quan lớn, đặc biệt có hai khám hai bên thờ Ông Hoàng Mười (bên phải) và Ông Hoàng Ba (bên trái). Tiếp là cung đệ tam, tại đây thờ Công đồng tứ Phủ, cung này có thờ Bà Chúa Bản đền. Cung đệ tứ hay còn gọi là tòa bái đường, cung này có thờ Quan Giám sát.

Một cung thờ trong Phủ Vân Cát

      Trong Phủ còn lưu giữ được nhiều câu đối, đại tự, hoành phi có giá trị. Ngoài ra, hệ thống văn bia ở Phủ Vân Cát rất có giá trị về lịch sử đặt dưới ngũ vân lâu ba tầng ở mặt tiền. Cùng với hệ thống đồng trụ tường hoa khiến tổng công trình nội trùng thiềm, ngoại chữ quốc ở đây bố cục chặt chẽ – là di tích xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.
       Khi chúng ta đã đến thắp hương tại Phủ Vân Hương chúng ta có đi qua Phủ Tổ. Phủ Tổ là một ngôi đền đặc sắc bằng đá thờ thân phụ và thân mẫu của Mẫu Liễu Hạnh.