Trang

Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

Đền Bà Chúa Kho

     Những đền Bà Chúa Kho nổi tiếng

      Trong hệ thống thần linh của tín ngưỡng người Việt thì hình tượng Bà Chúa Kho rất độc đáo. Bà Chúa Kho vừa là một nhân vật huyền thoại, vừa là một nhân vật lịch sử.  Ở nước ta có 3 Bà Chúa Kho được phong Phúc Thần, đó là Bà Chúa Kho ở Nam Định, Bà Chúa Kho ở Giảng Võ (Hà Nội).

      Thần tích đền Bà Chúa Kho Bắc Ninh

       Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cô Mễ, Phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đền Bà Chúa Kho có tên chính là Cổ Mễ Linh Từ.
      Tương truyền, Bà Chúa Kho xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở làng Quả Cảm gần đó. Bà được miêu tả là người con gái rất đẹp. Sau khi lấy vua nhà Lý và được phong là Linh Từ Quốc Chế. Thấy ruộng đất làng Quả Cảm còn bị hoang hóa nhiều, Bà đã xin vua cho về làng chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang. Sau đó, mở rộng khai hoang vào đến vùng Nghệ An hiện nay.
      Khi bà qua đời, nhân dân lập đền thờ để ghi lại công ơn bà là đã hết lòng chăm lo cho dân ấm no, trông coi các "lẫm thóc, lẫm tiền" của Triều đình. Công lao của bà đã được triều đại phong kiến ghi nhận qua việc sắc phong đền thờ bà là "Chủ khố linh từ" (Đền thiêng thờ Bà Chúa Kho).

Đền Bà Chúa Kho Bắc Ninh
     Ngôi đền có liên quan đến sự kiện Lý Thường Kiệt lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1076. Vào thời đó ở làng Cô Mễ, núi Kho, Cầu Gạo... vốn là những nơi đặt kho lương thực của quân Lý ở bờ nam chiến tuyến Như Nguyệt (Sông Cầu). Núi Kho, núi Dinh, Thị Cầu cũng vốn là một vị trí chiến lược có thể kiểm soát con đường từ Lạng Sơn qua sông Cầu về Thăng Long xưa.
       Đền Cô Mễ thờ Bà Chúa Kho chính là nơi tưởng niệm một người phụ nữ Việt Nam đã khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong thời kỳ trước và sau chiến thắng Như Nguyệt.
      Vào đời nhà Lý, Bà có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh) và đã "thác" trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào ngày 12 tháng 1 năm Đinh Tỵ (1077).
      Nhà vua thương tiếc phong cho Bà là Phúc Thần. Người dân nhớ thương Bà lập nên đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho và gọi Bà với một niềm tôn kính là: Bà Chúa Kho.
      Rất tiếc, thần tích về Bà Chúa Kho Bắc Ninh chỉ là tương truyền và chưa có đầy đủ chứng cứ về mặt tư liệu lịch sử. Hay đúng hơn sự thật về Bà Chúa Kho có phải là Hoàng Hậu không, hay là ai và sống ở thời nào còn là điều bí ẩn.
      Trong bài viết “Một sự hiểu lầm về đền Bà Chúa Kho”của hai tác giả Trần Minh, Nguyễn Trí Tuệ cho rằng:  Bà Chúa Kho được thờ tại Bắc Ninh vốn là Hoàng hậu vua Trần (chứ không phải Hoàng Hậu thời Lý), sau lâm bệnh mất, vua thương tiếc sai 72 làng quanh vùng lập đền thờ, trong số đó Cổ Mễ (nay thuộc Bắc Ninh) là quê gốc nên lập đền lớn trên một quả núi đất có tên là núi Kho.
      Về sau, các triều đại ban sắc phong làm nữ thần và danh hiệu Bà Chúa nên dân quen gọi là Bà Chúa Kho (tức bà Chúa núi Kho) chứ không phải bà chúa trông coi kho tàng của triều đình như đời sau lầm tưởng.

Có nên vay vốn Bà Chúa Kho Bắc Ninh để kinh doanh hay không

     Theo ông Nguyễn Văn Dự - Ban Quản lý nhà đền: "Cứ mỗi dịp đầu năm, người đến xin lộc, “vay vốn” rất đông, nhưng đến dịp cuối năm là đi “trả vốn” thì lượng khách về đền không bằng 1/10. Chỉ cần nhìn điều đó, cũng có thể nhận thấy rằng, không có nhiều người vay vốn của Bà Chúa Kho mà thành công trong việc kinh doanh".
     Theo  ông Nguyễn Văn Dự cho rằng con người có tướng, có số, vũ trụ quay vòng, cây cỏ mùa xuân đâm chồi, nảy lộc, thu và đông kết trái. Con người có nghị lực, lại đến vận thì ắt làm ăn được. Nếu chỉ cầu xin mà giàu, thì cả nước đã đổ về ngôi đền này rồi.
     Lý giải về điều này, nhiều người cho rằng: Bà Chúa Kho sinh thời là người cai quản kho lương cho quân đội nhà Lý, chứ bà không phải là người cho vay lãi. Nay bà thác thì bà quản lý kho lương cho thiên đình thì càng không phải là người cho vay nặng lãi. Việc đến vay bà là sai nguyên tắc, là sự cầu lợi cho bản thân, là vi phạm luật triều đình, vi phạm luật thiên đình nên không được bà phù hộ.  Có khi càng vay càng thua lỗ.
     Ông Thi - Phó ban quản lý nhà Đềng thì cho rằng: " Việc làm ăn có thành công hay không thì phải phụ thuộc vào năng lực và may mắn. Nếu chỉ cầu xin mà giàu thì cả nước đã giàu rồi”
    Nên chăng, chúng ta đến lễ Bà chỉ nên xin lộc rơi, lộc vãi.

Thần tích Bà Chúa Kho ở Giảng Võ, Hà Nội

      Bà Chúa Kho Giảng Võ là một nhân thần. Tên của Bà là Lý Thị Châu, người làng Võ Trại trong kinh thành Thăng Long, ngày nay là phường Giảng Võ. Cha bà làm chức Điện hộ binh lương, chuyên giữ kho lương quân lính đời nhà Trần. Chồng Bà là Đốc bộ ở Châu Hoan (tức Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay).
      Năm 1285, một đạo quân Nguyên của tướng Toa Đô đánh vào nước ta từ phía Chiêm Thành. Bà Lý Thị Châu tự nguyện chỉ huy quân sĩ bảo vệ kho lương, lo liệu hậu cần để chồng yên tâm đánh giặc. Cuối tháng 5/1285 nhà Trần đánh đuổi giặc Nguyên khỏi bờ cõi. Vợ chồng bà được triệu về kinh, chồng giữ chức cai quản quân kinh đô, vợ coi sóc kho phủ Phụng Thiên.
      Cuối năm 1287, quân Nguyên lại đánh Đại Việt. Chồng bà Lý Thị Châu đã hy sinh lẫm liệt. Tin chồng tử trận, kinh thành sắp thất thủ nhưng bà Lý Thị Châu vẫn bình tĩnh lệnh quân sĩ chuyển toàn bộ lương thực, của cải đem đi cất giấu rồi lấy một chiếc khăn hồng thắt cổ tự vẫn.
    Năm 1288, quân Nguyên bị phản công phải rút lui, Bà được triều đình truy tặng “Quản trưởng quốc khố công chúa” và cho lập đền thờ bà ở Giảng Võ (Hà Nội) và Diễn Châu (Nghệ An).
     Từ đó bà Lý Thị Châu được gọi là Bà Chúa Kho.

Thần tích Đền Bà Chúa Kho Nam Định

     Đền Bà Chúa Kho Nam Định toạ lạc ở phía bắc Vọng lâu Cột Cờ thành Nam Định.
       Chuyện kể rằng, vào đời vua Tự Đức (1848-1883), quan Vệ uý coi kho thành Nam Định có người con gái tên là Bạch Hoa (tên thật là Nguyễn Thị Trinh", giỏi võ nghệ, nhưng không chịu lấy chồng. Năm 1872, thực dân Pháp kiếm cớ đưa chiến thuyền ra Bắc. Quan Vệ uý giao việc coi kho cho Bạch Hoa, để mình cùng quan binh trong tỉnh Nam Định chuẩn bị cho việc bảo vệ thành.
       Tháng 12-1873, quân xâm lược Pháp đánh thành Nam Định, Quan Vệ uý cùng quân sĩ chiến đấu bảo vệ Cột Cờ. Thế giặc mạnh, tình thế quân ta trở nên nguy ngập. Nàng Bạch Hoa cũng tham gia giữ thành và chia quân một nửa ở lại giữ kho lương, nửa kia cùng nàng tiến đến Cột Cờ trợ chiến. Trong trận chiến này, nàng Bạch Hoa đã tử trận dưới chân Cột Cờ.
      Năm 1874, quân Pháp phải rút khỏi Bắc Kỳ. Vua Tự Đức đã phong Bạch Hoa là “Tiết liệt Anh phong - Giám thương Công chúa” và xuống chiếu cho xây miếu thờ ở chân Cột Cờ, nơi bà đã hy sinh vì nước. Sau này Vua Thành Thái phong: “Linh phù, Dực bảo trung hưng tôn thần”.