Trang

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

Đền Mẫu Đông Cuông

        Đền Mẫu Đông Cuông cách thành phố Yên Bái hơn 50 km về phía Tây Bắc, thuộc xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Lao cai. Đền Mẫu Đông Cuông thờ Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn và thờ Thần Vệ Quốc và các vị anh hùng dân tộc trong kháng chiến chống giặc Nguyên, chống Pháp.
       Trước đây đền có tên là "Đền Đông", "Đền Mẫu Đông", hay còn gọi là "Đông Quang linh từ", còn bây giờ được gọi là "Đền Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn".

Gian Đại Bái chính của Đền Mẫu Đông Cuông
      Theo Đại Nam nhất thống chí, Đền Đông Cuông thờ Cao Quan Đại Vương, huý là Thổ Lệnh và Thạch Khanh, đã có công chu du thiên hạ, tìm phương thuốc quí để chữa bệnh cho nhân dân. Đến khi mất lại rất linh ứng, ngầm theo để giúp các vị tướng lĩnh đánh giặc ngoại xâm bảo vệ biên cương, được nhân dân suy tôn, vua gia phong là “Thần vệ quốc” và đã hoá thân thành Mẫu Thượng Ngàn, là người mẹ của vũ trụ. Năm 1258, nghĩa quân của tướng Hà Đặc sau khi thắng trận đã tập kết quân tại đền Đông Cuông và tổ chức mổ trâu khao quân.

Một gian thờ tại Đền Mẫu Đông Cuông
     Trải qua các thời kỳ lịch sử dân tộc chống giặc ngoại xâm Đền Mẫu Đông Cuông còn tôn thờ thêm các vị anh hùng dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XVIII và các vị Thủ lĩnh người Tày trong cuộc khởi nghĩa Giáp Dần của người Dao – Tày 1913 – 1914 đã hi sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Những công trình mới xây dựng của Đền Mẫu Đông Cuông
       Đền Đông Cuông là một trong các nơi khởi đầu của phong trào tục thờ Mẫu Việt Nam. Đến nay đền đã được xây dựng lại khang trang bề thế.
       Đền Mẫu Đông Cuông được coi là đền thờ chính của Mẫu Thượng Ngàn - Mẫu thứ hai trong Tam Tòa Thánh Mẫu..
          
     Một số huyền tích về Đền Mẫu Đông Cuông

    1.  "Trong Kiến Văn Tiểu Lục quyển X mục "Linh tích" thời hậu Lê, cụ Lê Quý Đôn viết:

         "Văn Châu, một người thuyền hộ xã Kính Chủ, huyện Thanh Ba (nay thuộc địa phận Lâm Thao- Phú Thọ) là học trò Hiệu như Nguyễn Đình Kính. Giữa niên hiệu Bảo Thái (1720 - 1729) đi buôn ở Đông Quang (nay thuộc huyện Văn Yên tỉnh Yên Bái) bến sông này có miếu thờ Đông Quang Công Chúa vẫn nổi tiếng anh linh.

Một góc không gian thờ trong Đền Mẫu Đông Cuông
         Tục truyền Công Chúa là vợ Đại vương miếu Ngọc Tháp huyện Sơn Vi (sau đổi là huyện Lâm Thao). Một hôm trời đã tối, Văn Châu thấy một người từ trong miếu Đông Quang đi ra đến chỗ thuyền đỗ, gọi tên mình và bảo rằng: "Khi thuyền nhà ngươi trở về qua miếu Ngọc Tháp, phiền nhà ngươi nói giúp là kính tạ Đại vương, Chúa bà đã sinh con trai rồi, gửi lời về báo để đại vương biết". Nói xong liền biến mất. Đường thuỷ mà thuyền buồm đi từ Đông Quang đến Ngọc Tháp phải ba, bốn ngày, thế mà ngày hôm ấy, Văn Châu bắt đầu đi từ sáng sớm mà đến giờ Thân đã tới  Ngọc Tháp (chỗ này núi đá mọc nhô ra bến sông như hình ruột ốc, miếu ở trên núi, bên cạnh miếu có chùa Lăng Nghiêm) Văn Châu theo lời thầy dặn, đứng ở đầu thuyền nói lại rồi đi".

Dòng sông hiền hòa trước cửa Đền Mẫu Đông Cuông

    2. Thần Tích của dòng mo họ Hà coi việc giữ đền và tế tự chép:

      " Đông Quang Công Chúa là Lê Thị Kiểm. Bà là vợ ông Hà Văn Thiên, người Tày Đông Cuông được triều đình giao cai quản vùng Đông Cuông và ngoại vi. Ông Thiên, hậu duệ của Hà Đặc, Hà Bổng (Trại chủ Quy Hoá) bị hy sinh trong chiến tranh chống quân Nguyên. Ông bà sinh hạ được một con trai. Khi Ông tạ thế, bà Kiểm và con trai ở lại Đồng Cuông rồi mất tại đấy. Dân lập miếu thờ ông bên Ghềnh Ngai (hữu ngạn sông Hồng) và thờ hai mẹ con bà bên tả ngạn, đối diện với miếu".

Ban Chúa Sơn Trang ở Đền Mẫu Đông Cuông

     3. Trong nhân dân hai xã Đông Cuông và Ngòi A lưu truyền một huyền thoại: 

      Ở xóm Đá Ôm, thôn Đồng Dẹt, xã Đông Cuông có một giếng nước sâu trong vắt. Giếng ở chân gò, nơi chúa họ Cầm ở (tù trưởng bộ tộc Tày). Một hôm, con gái tù trưởng là Cầm Thị Lả (Cầm Thị Lê) ra giếng gội đầu. Lỡ tay đánh rơi lược xuống giếng, nàng vội nhào theo vớt lược. Lược chẳng thấy chỉ thấy đáy giếng lộ ra một con đường rộng, sâu hút. Nàng theo đường ấy, đi mãi đến Thuỷ Cung rồi gặp Long Vương lấy làm chồng và sinh hạ được một con trai. Nhớ nhà, nàng bế con trở lại dương thế và hứa với Long Vương hàng năm sẽ xuống thăm chồng một lần và chỉ đi một mình không đem con đi cùng. Giếng Đồng Dẹt trở thành giếng thần. Tháng Giêng ngàymão, xã chọn thanh niên chưa vợ đi tát sạch giếng để lọc lấy nước trong thanh khiết cúng lễ.

Tam quan Đền Mẫu Đông Cuông


4. Không gian tâm linh Đền Mẫu Đông Cuông

       Trải qua những thăng trầm lịch sử và sau nhiều năm tủ bổ, tôn tạo, kiến trúc ngày nay của đền Đông Cuông vẫn mang đạm nét dáng dấp kiến trúc đền chùa thời Lý Trần, với mái ngói cong và hình lưỡng long chầu nhật. Các cột đền làm bằng gỗ tứ thiết, được sơn son thếp vàng hình rồng cuốn trang nghiêm. Trên các đầu dư, đầu bẩy, xà ngang, cốn nách, câu đầu đều được chạm khắc tỉ mỉ theo các chủ đề tứ linh và hoa lá, đạt trình độ cao về mỹ thuật.

Gian Đại Bái chính của Đền Mẫu Đông Cuông

      Đền Mẫu Đông Cuông có một địa thế phong thủy "Tựa sơn đạp thủy". Lưng đền tựa về phía núi, mặt đền hướng ra dòng sông hiền hòa tạo nên một cảnh sắc thiên nhiên sơn thủy hữu tình. Con đường dốc độc đạo chạy từ phía Đông lên đền, uốn lượn quanh co như vắt ngang lưng chừng núi khiến khung cảnh càng thêm thâm nghiêm, tĩnh mịch. Khuôn viên quanh đền rộng mở, với cây cối sum xuê tỏa bóng mát tạo nên một không gian tâm linh huyền ảo và linh thiêng.

     5. Vị trí Đền Mẫu Đông Cuông trong thờ Mẫu Thượng Ngàn

     Theo các thần tích về Mẫu Thượng Ngàn thì Mẫu Thượng Ngàn ở Bắc Lệ (Lạng Sơn) là công chúa Quế Hoa, ở Suối Mỡ (Bắc Giang) là Công Chúa La Bình thì ở Đông Cuông, Mẫu Thượng ngàn là Lâm Cung Thánh Mẫu.
      Căn cứ theo truyền thuyết thì Đền Công Đồng Bắc Lệ chính là nơi Mẫu Thượng Ngàn hiển linh, âm phù; Đền Suối Mỡ là thắng tích lưu lại dấu vết Mẫu tu tiên luyện đạo, còn Đền Đông Cuông (Yên Bái) là nơi Mẫu giáng sinh và ngự.
    Trong niềm tin tâm linh của các đệ tử Đạo Mẫu thì Đền Đông Cuông có vị trí vô cùng quan trọng, là nơi ngự chính và nơi giáng sinh của Mẫu Thượng ngàn.

    6. Sự anh linh của Mẫu Thượng Ngàn

       Sử sách truyền lại rằng chiến công của nhiều triều đại Việt Nam có sự phù hộ của Mẫu Thượng Ngàn. Vua Lê Lợi là người đã sắc phong Mẫu Thượng Ngàn là Lê Mại Đại Vương. Tích sắc phong này là: Vào thời đầu khởi nghĩa, nghĩa quân Lam Sơn bị vây khốn ở Phản Ẩm. Khi tình thế nguy cấp. Mẫu Thượng Ngàn đã hóa thành ngọn đuốc lớn, soi đường quân sĩ thoát vây. Trong suốt cuộc chiến, vua Lê luôn được sự che chỏ của Mẫu. Vì thế, sau khi cuộc khởi nghĩa vua Lê đã ra sắc phong để phong cho Mẫu là Lê Mại Đại Vương.