Trang

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

Đền Bồng Lai Hòa Bình

        Đền Bồng Lai Hòa Bình nằm trong Khu Du lịch tâm linh Đền Bồng Lai dưới chân núi Đầu Rồng thuộc thị trấn Cao Phong - Tỉnh Hòa Bình. Đền còn gọi là Đền Bồng Lai Thượng hay Bồng Lai Linh Từ, đền Bồng Lai Cao Phong. Đây là ngôi đền thờ chính cung Cô Đôi Thượng Ngàn.
         Có hai ngôi đền mang tên Bồng Lai đều thờ Cô Đôi Thượng Ngàn: Đền Bồng Lai ở Nho Quan - Ninh Bình và Đền Bồng Lai Cao Phong Hòa Bình. Đền Bồng Lai ở Nho Quan gắn liền với sự tích nơi giáng sinh, còn đền Bồng Lai Cao Phong gắn với sự tích nơi Cô hóa và hiển Thánh.




      Nguồn gốc đền Bồng Lai Hòa Bình

      Đền Bồng Lai Hòa Bình có từ năm vua Thành Thái thịnh trị năm thứ 2 - tức năm 1890. Đền Bồng Lai cũ chỉ còn phế tích tại khu đất nơi đền xưa.Tháng 12 năm 2013 thanh đồng Thủ Nhang Trần Văn Hải cùng các con nhang đệ tử cùng tín chủ gần xa đã phát tâm công đức xây lại. Ngôi đền được khánh thành ngày 31 tháng 12 năm 2014 (tức 6 tháng 11 âm lịch). Hiện đền còn giữ được một chiếc chuông cổ từ đời Vua Thành Thái. Đền còn giữ được hai đạo sắc phong của các đời vua. 
     Nơi đây được coi là nơi Cô Đôi gặp Thánh Mẫu Thượng Ngàn.  Tương truyền, nơi đây chính là nơi Cô Đôi hóa và hiển thánh. ( xem thêm Cô Đôi Thượng Ngàn).

Chuông cổ từ thời Vua Thành Thái -1890 còn lưu giữ trong cung Cấm của Đền.

       Kiến trúc đền Bồng LaI Hòa Bình

       Đền Bồng Lai Hòa Bình có diện tích trên 5000 m2, được xây dựng theo hình chữ Tam Thập nhất, tả hữu có hai dãy nhà dài nối liền với cổng tam quan; dẫy bên trái thờ các cô, bên phải thờ các cậu.  

      Cung cấm đền Bồng Lai được kiến trúc theo lối nhà 3 gian, trồng diện 12 mái, phụng thờ tam tòa thánh mẫu, cấp dưới thờ cô đôi thượng Bồng Lai thủ đền ngồi hầu cận mẫu, với dung y khoan thai mực thước, nét vẻ dịu dàng của một tiên nữ sơn trang giữa núi rừng Tây Bắc. Cung đệ nhị cũng được xây dựng kiến trúc 5 gian trồng diện 8 mái, phụng thờ tam vị chúa được sắc hiệu đại vương và công chúa. Cung đệ tam xây dựng theo kiến trúc nhà 7 gian 2 mái phụng thờ tam phủ công đồng.

      Vài nét về đền Bồng Lai Hòa Bình và khu du lịch tâm linh đền Bồng Lai

     Đền Bồng Lai Hòa Bình được thiết kế và xây dựng dưới ý tưởng của Thủ nhang Trần Văn Hải - Một đồng thầy tâm cao, vọng trọng đầy uyên bác về đạo mẫu và đã ấp ủ tâm huyết tôn tạo bao nhiêu năm. Vì vậy, Đền Bồng Lai Hòa Bình quả thực là một trong các ngôi đền linh, đẹp nhất Việt Nam hiện nay. 



Sự nguy nga lộng lẫy đầy cảm xúc tâm linh của ngôi đền

     
       Đền Bồng Lai Hòa Bình tuy mới xây dựng lại, nhưng vẫn hết sức mang tính hoài cổ. Đến ngôi đền chúng ta cảm thấy như lạc mình vào trong lâu đài cổ nguy nga, lộng lẫy. Đền Bồng Lai Hòa Bình hòa chung với toàn bộ xung quanh của núi Đầu Rồng tạo nên một cảnh sắc tráng lệ, một "chốn bồng lai tiên cảnh" giữa đời trần. Có lẽ chính vì vậy, ngôi đền mang tên là đền Bồng Lai, chứ không phải là lấy theo tên của Đền Bồng Lai ở thôn Bồng Lai, Nho Quan, Ninh Bình. Chính điều này, nhiều người lầm tưởng đây là nơi thờ vọng của Cô Đôi Thượng Ngàn.



    
         Ngay phía bên hông của Đền Bồng Lai Hòa Bình có động Thiên Thai thờ Bà Chúa Thượng Ngàn cheo leo trên một vách núi. Bà chúa Thượng Ngàn nơi đây chính là Diệu Tín Thiền Sư - vị thánh đã chọn Cô Đôi làm đệ tử. 
        Ngôi đền cheo leo, gợi cho chúng ta một cảm giác như một nơi tu ẩn của cõi tiên giới. Nhất là vào sáng sớm, ngôi đền lấp ló, ẩn hiện, bồng bềnh trong làn khói sương giăng -  một chốn thần tiên, thơ mộng và đầy linh khí giữa đời trần.

Động thờ Bà Chúa Thượng Ngàn

      Phía sau bên trái của Đền Bồng Lai là đường lên cung thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Những bậc thang đưa ta lên lưng chừng núi nơi cung thờ Đức Phật. Đúng là đến với Phật phải có chút gian nan, nhưng bù lại lòng chúng ta cảm thấy một sự lâng lâng dâng trào sinh khí linh thiêng của đá núi Cao Phong linh thiêng. Trước mắt, chúng ta một ngôi đền nguy nga lộng lẫy đang đắm chìm trong khói sương hiện ra. Thật là một khung cảnh khó có thể có ở bất cứ nào trên thế gian.


        Phía sau đền Bồng Lai  là nơi ban thờ thiên đức phật Thích Ca Mâu Ni tọa trên đài sen vàng. Đây có lẽ đây là một chút dừng chân để xin linh khí của Đức Phật để chúng ta tăng thêm sự khát khao  khám phá các hang động thờ phật trên núi Đầu Rồng: Hoa Sơn Thạch Động, Hang Không Đáy, Phong Sơn Động. 


       Đứng trên con đường lên Hoa Sơn Thạch Động giữa bạt ngàn cây rừng muôn sắc vẻ chúng ta có thể phóng tầm mắt xuống phía dưới. Ngôi đền Bồng Lai Hòa Bình  hiện lên như một cung điện nguy nga, tráng lệ đầy huyền bí. Một khung cảnh hết sức trữ tình nên thơ, một lâu đài chỉ có trong chuyện cổ tích. Nhìn phong cảnh hữu tình này ta cảm thấy tan biên hết cả mệt nhọc trên con đường đi lên với Phật trên Hoa Sơn Thạch Động, Phong Sơn Động....


       Nhưng bước chân nhẹ nhàng qua các bậc thang đá, như những bước gian nan, thử thách của chúng ta đến với đức tin của đạo Phật. Chúng ta có dịp được chiêm ngưỡng khung cảnh thung lũng và thị trấn Cao Phong lịch lãm và còn có cơ hội chiêm ngưỡng những cây rừng hết sức lạ mắt với dây leo chẳng chịt, những vách đá cheo leo...



      Đền Bồng Lai Hòa Bình nằm giữa 5 ngọn núi Ngũ Hành: Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ và các đền, động Thánh Mẫu Thượng Ngàn, Hoa Sơn Động, Phong Sơn Động, Động Dược Sư, Hang không đáy...tất cả đã tạo nên một chốn "Bông Lai Tiên Cảnh" mà ai đến đây không thể nào quên.
       Theo phong thủy, đây là một chốn địa linh của một vùng đá núi linh thiêng. Có lẽ vì thế, mà trời đã run rủi Cô Đôi được hiển thánh nơi đây.
       Nơi đây, không chỉ là nơi cho những người có duyên với nhà Thánh, nhà Phật đến đây hành lễ mà còn là nơi các phượt thủ yêu thích khám phá tâm linh, khám phá sơn động và chiêm ngưỡng cảnh đẹp - chốn bồng lai tiên cảnh giữa núi rừng mơ mộng.

           Bài trí các cung thờ của đền Bồng Lai Hòa Bình


      Sau khi bước qua Tam Quan của Đền Bồng Lai Hòa Bình chúng ta có thể thấy một khoảng sân rất rộng, hai bên là cung thờ các cô ( Tứ Phủ Thánh Cô) và cung thờ các cậu (Tứ Phủ Thánh cậu).



Cung thờ Tứ Phủ Thánh Cô ở bên trái sân đền

         Gian đại bái ngoài cùng gồm có 3 cung: Cung giữa là cung Công đồng, bên trái thờ quan Hoàng Triệu (Quan Hoàng Đôi), bên phải là cung thờ Quan Điều Thất (Quan Lớn Điều Thất).


Cung Quan Đều Thất
      Gian đại bái thứ hai có 3 cung: Cung giữa thờ Vua Cha Ngọc Hoàng, bên trái là cung Ông Hoàng (Tứ Phủ Thánh Hoàng), bên phải là cung thờ Trần Triều.


Cung Ông Hoàng

       Gian đại bái thứ ba gồm 3 cung: Cung giữa thờ Tứ Phủ Chầu Bà, bên trái thờ Sơn Trang Thượng, bên phải thờ Sơn Trang Thoải.

       Gian thứ 4 là cung cấm: Nơi đây đặt tượng thờ Cô Đôi Thượng Ngàn, phía sau cô Đôi là Tam Tòa Thánh Mẫu.
      


Cung Cấm của Đền Bồng Lai Thượng
      Bài trí cung thờ trong Động Thiên Thai thờ Bà Chúa Thượng Ngàn

      Động Bà Chúa Thượng Ngàn có 3 cung: Chính cung thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, Bên trái là cung thờ các cô, bên phải là cung thờ các cậu.



Cung thờ Bà Chúa Thượng Ngàn
   Bài trí trong động thờ Thích Ca Mâu Ni



Ban thờ Thích Ca Mâu Ni tại động Thích Ca Mâu Ni
       Bài Trí trong động Phong Sơn



Cung thờ phật quan âm
Cung thờ Phật Quan Âm tại Phong Sơn Động
Thần tích về Cô Đôi Thượng Ngàn

      "Cô Đôi Thượng Ngàn vốn là Sơn Tinh Công Chúa con Vua Đế Thích trên Thiên Cung. Sau cô giáng sinh xuống đất Ninh Bình làm con gái một quan lang họ Hà, chúa đất người Mường ở vùng rừng núi Nho Quan, Ninh Bình. 

      Vị quan lang họ Hà người Mường nổi tiếng khắp vùng về nhân đức, phát tâm thiện nguyện, cứu giúp dân nghèo. Hai ông bà đã vào trạc ngũ tuần, nhưng vẫn chưa có một mụn con nào. Hai ông bà bèn lập đàn tế trời, cầu khẩn. Ngọc Hoàng trên thiên giới cảm kích tấm tình ông bà mới sai cô xuống hạ giới, đầu thai làm con ông bà để thưởng cho cái đức độ, tiết tháo của ông. 
        Năm cô lên bốn tuổi, gia định vị quan lang chuyển tới làm quan ở Huyện Cao Phong, châu Mai Đà, tỉnh Hưng Hóa.  Năm Cô mười hai tuổi đã xinh đẹp tuyệt trần da trắng, tóc mượt, mặt tròn, lưng ong thon thả. Khi Mẫu Thượng Ngàn thử lòng người trần gian, bèn hóa thành một bà lão đói khát, bệnh tật nằm lả ở gốc cây đa dưới chân núi Rồng. Bà nằm đó kêu rên từng tiếng khó nhọc, cầu mong sự giúp đỡ của mọi người qua lại, thế nhưng chẳng ai chịu ra tay cứu giúp bà. Đúng vừa lúc cô ra suối gánh nước thấy bà lão đáng thương, cô động lòng thương cảm bèn quỳ xuống vực bà ngồi dậy, cho bà uống nước. Bất chợt tự nhiên trời đất tối sầm, mây đen kéo tới, gió bụi cuốn lên mù mịt bà lão hiện thành Tiên Chúa Thượng Ngàn và nói với cô: "Ta là đức Diệu Tín Thiền Sư Lê Mại Đại Vương (tức Mẫu Thượng), thấy con là người ngoan ngoãn, hiền lành, đức độ. Kiếp trước con là tiên nữ trên tiên giới, nghe lệnh Ngọc Hoàng mà hạ phàm báo ân cha mẹ. Nay ta độ cho con thành tiên trở về bên hầu cận bên cạnh ta, để cứu giúp nhân gian". Đoạn Thánh Mẫu rút cây gậy khắc đầu rồng bên mình ra trao cho cô. Cô nhận cây gậy rồi trở về nhà, bốn ngày sau thì hóa".
       Như vậy, Đền Bồng Lai, Cao Phong, Hòa Bình chính là nơi Cô đã gặp Diệu Tín Thiền Sư Lê Mại Đại Vương và được hiển thánh. Chính vì thế, Đền Cao Phong được coi là ngôi đền chính của Cô Đôi Thượng Ngàn.