Trang

Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017

Lênh đênh qua cửa Thần Phù

      Lời ban biên tập: Đây là bài viết của Thầy Trần bàn về câu ca: "Lênh đênh qua cửa Thần Phù; Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm". Chúng tôi xin phép lược trích và đăng lại để các bạn tham khảo. Để bạn đọc dễ tham khảo chúng tôi có chia bài viết thành các mục nhỏ.




       Cửa Thần Phù là gì

Lênh đênh qua cửa Thần Phù  

Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm 

       Câu ca này có 2 nghĩa:
      Nghĩa thật là nói về cửa biển Thần Phù của nước Việt Nam ta ở Tam Điệp, Ninh Bình giáp giới với Thanh Hóa. Cửa Thần Phù vốn là một cửa biển hiểm yếu xa xưa nằm trên tuyến đường thủy hành quân Nam tiến của người Việt. Cửa Thần Phù ngày nay đã bị phù sa bồi đắp và trở thành vùng đất liền.
      Trước đây, cửa biển này gọi là cửa Đầu Sau ( hay cửa Thần Đầu). Đó là nơi đạo sĩ Áp Lãng Chân Nhân phù phép giúp vua nhà Lý qua cửa biển đi đánh Chiêm Thành bằng phù (bùa) nên từ đó có tên gọi là cửa Thần Phù.
       Còn nghĩa bóng là nói về các ông bà đồng theo Đạo Mẫu.
      Thần Phù theo nghĩa Hán Việt: Thần linh Phù Hộ, hay lá bùa (lá Phù) của Thần linh .
      Câu này được áp dụng để khuyên răn cho Đệ tử của Đạo Mẫu.


      Vậy tại sao, có thần linh phù hộ hay có lá bùa của Thần linh phù hộ mà căn mệnh của các Ông bà Đồng vẫn chìm (dù hôm nay nổi nhưng mai lại chìm).
      Chìm nghỉm thì vớt nên mệt mỏi lắm.
     Chúng ta đều biết: Đạo Mẫu không có bất cứ pháp môn tu tập nào có hệ thống đúng nghĩa, vậy tu cái gì tu thế nào?
      Hôm nay, tôi cũng xin viết ra đáp án của mình, mong đóng góp chút ít kiến thức mà các cụ tôi, những người con họ Trần quê hương Phủ Dầy, truyền lại mong có thể giúp cho Đạo Mẫu ngày một tốt đẹp hơn.
      Ai xem, thấy rằng mình thiếu sót thì cũng tu chiếu lại cho hoàn thiện và cũng để những Tân đồng có thêm hiểu thêm biết mà tu tập.

Theo Đạo Mẫu thì tu gì?

        Nếu nói Đạo Mẫu tu cái gì là quan trong nhất, thì đó là chữ Phù.
       Như những bài trước tôi viết nhiều về căn quả và nghiệp nên không nhắc lại kỹ, chỉ nói ý nghĩa của hai từ Đồng cốt.
        Đồng ở đây chỉ người trong trắng như đứa trẻ nhỏ chưa vẩn đục; ý nói cả Tâm lẫn phần thể xác, hồn phách phải trong trắng.
         Cốt là xương cốt hay cốt chỉ căn số một người.
      Người có căn cốt thực sự, thánh mới giáng một ly một lai khi nhập Đồng. Người có căn cốt tà, tà nhiễm, mưu mô gian trá điêu trác, không căn cốt duyên quả sẽ không được thánh giáng ân.
        Khi mở Phủ rồi, cũng bởi luật nhân quả chi phối, nên duyên của đồng nhân tương ứng với mệnh của các Thánh cai đầu đồng và Phủ Mệnh. Ví dụ, kiếp trước đồng nhân gây nhiều nghiệp với loài thủy tộc, thì trả nợ căn nghiệp nơi thoải phủ.
       Vậy, nợ duyên nợ phúc ở đâu sẽ trả đó.
     Người đồng nhân đã nhập đạo phụng sự cha mẹ hầu hạ là để trả nghiệp cũng là đang gieo nhân cho mình.
      Nếu mang hết cái Thân Tâm để phụng sự nhà Thánh,  vô tư Thành kính dâng hiến với với cửa Thánh sẽ được các Thánh thương. 

Thánh sẽ cho đồng nhân cái gì

       Nhà thánh thì có lấy không của ai cái gì bao giờ. Vậy cái nhà Thánh trả lại các Đồng nhân cái gì?
       Đó là năng lực dị nhân các loại  (hay năng lực đặc biệt).
       Đó là chữ Phù, ai có căn ra mở phủ cũng muốn được Thánh cho ăn lộc. Chữ Phù tưởng là dễ nhưng lại là chữ cần tu đầu tiên.
       Người thực sự có căn quả là một người có tâm hướng đạo giữ trọn vẹn để cho đúng với hai từ đồng cốt như tôi nói trên .
       Mọi người có căn thực sự đều được Thánh ra ân cái dị năng. Thánh ban cho từng người có nhiều hay ít, hay khác nhau đều do căn duyên đã khởi.
       Kẻ ăn lộc sát căn thượng Thiên thì thường cúng lễ, kêu thay lạy đỡ cầu cho người. Kẻ ăn lộc sát căn thượng ngàn thì soi ra bói thấy;  kẻ thì chuyên soi vận hạn, kẻ chuyên soi công danh, gọi hồn bắt bóng, căn mệnh nhân duyên, ma tà quỷ quái......
        Kẻ ăn lộc sát căn khâm sai địa phủ chuyên soi đất cát, vong tà, âm phần mồ mả. Thậm chí nhìn và nói chuyện được vong ma hay giao thiệp được với quỷ Thần....
       Kẻ ăn lộc sát căn thủy phủ chuyên chữa bệnh, giải hạn...;
       Kẻ kim chi đôi nước (nhà Trần) làm pháp, trừ tà sát quỷ ...
       Kẻ hợp căn thượng thoải hoặc địa thoải, có thể được Thánh Ân cho ăn lộc vài loại năng lực một thân........
       Hoặc có những lộc mà Nhà Thánh phù trì vào dạng đặc biệt như khai tâm mở trí trong học hành, buôn bán kinh doanh, công danh, làm đẹp, ca hát. Mặc dù, trước đó họ không giỏi và mạnh về mặt này.
       Thánh ân luôn hướng con người chân thiện mỹ hơn .
       Các con đồng khi bắc ghế được ảnh hưởng trực tiếp của bóng Thánh khi giá ngự phán truyền, nên thường tự nhiên nhận được Khẩu Hình. Cái câu: "Miệng nói có người nghe, đe có kẻ sợ"  nó ở chỗ này.
       Đôi khi có người cũng được thừa hưởng thêm một chút ảnh Thánh, xinh đẹp tốt tươi hơn, đắc nhân duyên hơn......
       Còn loại đặc biệt là căn nguyện những người này do nhân duyên nhiều kiếp đều xin khâm trực phụng sự cửa Đình Thần họ có rất nhiều năng lực trên một thân người.

Khi nào đồng nhân mới được nhận thánh ân của nhà thánh

      Những người mà xuất thủ trình đồng thực sự được Thánh ân đều phải trải qua 3 năm thử lính 9 năm thử Đồng .
      Còn cái sự tu của người có đồng đầu tiên là nằm ở chữ Phù.
      Như ta đã biết, bởi duyên khởi ta được Thánh phù trì gia ân, có năng lực đặc biệt hay còn gọi là ăn lộc .
      Những lộc đó là do duyên khởi mà có, nên đôi khi tân đồng lính mới vẫn xuất hiện trong thời gian thử lính.

Các lỗi thanh đồng hay mắc

      Nhưng đã là con người thì hay mắc lỗi, nhất là khoe khoang, tham lam, tự cao tự đại.
      Tự dưng mình có một năng lực bất chợt, nên thường muốn chứng minh bản thân bằng cách bạ đâu cũng dùng năng lực đó. Chỗ nào cũng đọc vanh vách để rồi tự mình mắc lỗi, động lý lẽ Âm Dương, chọc ngoáy vào vòng quay tạo hóa.....
      Nên dễ phạm thiên cơ. Đã phạm thiên cơ thì gánh không nổi.
      Các tân đồng hay mắc nhất là ngăn cản oan gia trái chủ đến báo oán, hay động lý lẽ âm dương hoặc tiết lộ thiên cơ tràn lan...
      Ví dụ như: 
      Mách nước ngăn cho người gây tội lỗi tầy trời, gia hại nhân mạng người khác để tránh vong ma báo oán. 
      Nếu động chạm, can thiệp quá nhiều vào luật nhân quả, can thiệp quá nhiều vào lý lẽ âm dương nên nhớ rằng mục đích chính là Tân Đồng chủ yếu là phụng sự Hầu hạ lễ lạt cho đúng đạo, lề lối chỉnh chu, cho nếp đồng vào khuôn, không lỗi đồng khi hầu hạ. Chứ mình còn đang thử lính thì đừng vì có một chút năng lực mà làm bừa.
      Nếu làm thế thì hậu quả ai chịu đây?
      Con Đồng đó phải chịu 
     Nên nhớ, gánh việc Trần là việc của những người đã qua thử thách thử  lính, thử đồng của nhà thánh. Đúng với câu: Làm lính có công, làm Đồng có phép.
      Thêm nữa, khi mới trình đồng do mình có căn quả, quy hàng bốn phủ kịp thời, tất yếu dẫn đến tâm ý viên mãn, lại được bóng ảnh Thánh ngự nên thường mặt hoa da phấn sắc diện tốt tươi, khẩu hình qua bóng Thánh phán truyền nên tân Đồng thừa hưởng khai minh khẩu ý, nên thường khéo ăn khéo nói (nói có người nghe đe có người sợ ) nên Thường hấp dẫn người khác.
     Thế nên đắc nhân duyên, nhân sinh, đắc tài đắc lộc đắc công danh khi mở Phủ là bình thường.
    (Đây là nói những người có căn quả nhất tâm xuất trình và không mắc lỗi khi khai hồ nên vị Thánh Cai đồng phủ mệnh nhận lính).

Hậu quả của sự ngạo mạn

      Nhưng vì mọi việc đến và thừa hưởng quá nhanh nên con người lại cho rằng mình được thánh độ, nên lại sa đà không biết kiềm chế. Nghĩ rằng Thánh đã chấp nhận mình, mình đã là con nhà Thánh nên việc gì cũng có Thánh lo liệu nên đã phung phí, buông thả, lạm dụng, làm quá dẫn đến mất sự khuông phù của Thánh ân.
       Lại có tân đồng, vì những lý lẽ trên, thấy mình ra mở Phủ được thay đổi vận mệnh, khấm khá kinh tế, công danh lợi lạc, gia đình hòa thuận chỉ trong thời gian ngắn nhưng chỉ biết mình không biết người, không làm làm việc Thiện tích phúc cứu khổ độ bần, giúp người xung quanh.
      Tất cả chỉ nghĩ Thánh thương, dẫn đến đam mê chỉ lo đàn to lễ lớn không nghĩ đến việc làm gia đình mọi thứ chỉ chăm chăm vào hầu với hạ;
xa hoa lãng phí. Chỉ nghĩ rằng dâng tạ, hầu hạ càng nhiều càng tố Hảo, mình lại lợi lộc hơn nữa. Cứ nghĩ không cần làm chỉ cần hầu Thánh cái gì cũng có. Dẫn đến phung phí thời gian bỏ bê việc đời (bỏ chồng bỏ vợ con bỏ bê công việc ....)
       Nhưng kẻ như thế nhất định thất bại trong cuộc sống.
       Rồi cũng vì thừa hưởng ảnh Thánh giáng đồng, nên mặt hoa da phấn sắc diện tốt tươi duyên thầm duyên nổi,  hấp dẫn nhiều người khác phái. Từ đó, sinh ra tâm tính thay đổi, không biết kiềm chế tu tâm dưỡng tính;  sinh ra có mới nới cũ thay lòng đổi dạ.
       Hoặc tự cao ngạo mạn coi thường người khác vì mình được Thánh ân khuông phù có khả năng đặc biệt hơn người, ta đây là nhất.
       Trong ba năm thử lính đã làm loạn.
       Thấy được mọi thứ quá dễ nên sa ngã.
      Vậy chớ vì tiền, vì tình, vì danh, vì lợi mà quên rằng ta mới chỉ là đồng tân lính mới.
     Tâm chưa kiên cố nên dẫn đến không tu tập giữ nổi chữ PHÙ trong Đạo và đẫn đến Thánh không khuông Phù nữa .
     Hệ quả tất yếu là mất đi năng lực đặc biệt đó nỗi đời nỗi đạo và sẽ mất tất cả.
       Khi đã mất tất cả từ năng lực đến Thánh ân, Thánh không nhận Đồng nữa. Nhưng vẫn cứ sa đà, vẫn muốn chứng tỏ mình còn năng lực, vẫn là con nhà Thánh, rồi lại càng tự huyễn hoặc mình dẫn đến vong tà ám thân, mượn năng lực của chúng mà làm loạn .
      Khổ người khổ mình .
     Những kẻ này bị nhiễm tà, lại cực kỳ khéo lừa người. Nhiều khi gây ra tiếng ác cho đạo, gây sự phản cảm của bách gia với người có Đồng.
Làm cho hai từ đồng bóng nó mang ý nghĩa phản cảm, kỳ thị. Thậm chí đánh đồng người có đồng bóng thành dị hợm .
     Còn những kẻ mượn Đạo giả Thần lộng quỷ buôn Thần Bán Thánh thì khỏi phải nói.
      Những Thầy chỉnh chu khi mở phủ cho tân đồng, ngoài những việc lề lối phụng sự hầu hạ sao cho phải phép; sao không lỗi đồng lỗi đạo, họ còn dậy bảo để giữ mình tu cho đắc chữ PHÙ, sao cho không bao giờ để Thánh tước đoạt lại chữ Phù này.
                                                                      Thầy Trần

     Lời ban biên tập: Đây là bài viết mang tính lý luận nên rất mong các bạn đọc chậm và suy ngẫm. Để tránh sự lợi dụng, mưu lợi cá nhân hay đánh bóng tên tuổi để lừa đảo; khuyến khích mọi người chia sẻ, nhưng đề nghị mọi người chia sẻ phải ghi rõ nguồn: Thầy Trần.