Trang

Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

Đền Dinh Đô Quan Hoàng Mười

      Đền Dinh Đô Quan Hoàng Mười tọa lạc vùng bên đê La Giang, tại ngã ba giao nhau giữa sông Minh (kênh nhà Lê), Sông La và Sông Lam nên còn gọi là “Mỏ Hạc Linh Từ”. Nơi đây còn gọi là Đền Cả. Ngôi đền thuộc địa phận phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

Sân đền Dinh Đô và Tam Quan uy nghi

      Từ Thành phố Vinh (nghệ An) đi hướng Thị xã Hồng Lĩnh, theo đường quốc lộ 1A chừng 10 km đến bờ Đê La Giang. Chúng ta chỉ cần rẽ phải vào đê La Giang chừng 2 km là đến ngôi đền thiêng này. Đền Dinh Đô chỉ nằm cách Đền Củi khoảng 5 km.

Đền Dinh Dô thờ ai

     Đền Dinh Đô Quan Hoàng Mười thờ Quan Hoàng Mười và bà Lê Thị Ngọc Dung - Con gái nuôi của vua Lê Lợi.
     Thời khởi nghĩa Lam Sơn, bà Lê Thị Ngọc Dung đã hy sinh anh dũng trong một trận chiến với quân Minh. Sau khi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi đất nước, năm 1427, vua Lê Lợi xưng vương đã truy phong bà là Biển Quốc Đoan Trang, Chính Thục Từ Hòa, Chính Phương Nương Đại Vương.

Đền Dinh Đô có từ bao giờ

       Theo tài liệu của cơ quan văn hóa tỉnh Hà Tĩnh và các sắc phong, Đền Dinh Đô Quan Hoàng Mười được xây dựng vào khoảng năm 1060 theo sắc phong của Lý Thánh Tông đến thời nhà Lê ( theo sắc phong của vua Lê Ý Tông 1726)  được tôn tạo, nâng cấp, đến thời Nguyễn thì được trùng tu lớn (năm 1427).

Sân Đền Dinh Dô

       Do biến cố thăng trầm của lịch sử, chiến tranh, thiên tai tàn phá làm ngôi đền bị xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, khoảng năm 1968 đến 1972 vị trí ngôi Đền tọa lạc tại điểm xung yếu trên tuyến vận tải đường thủy Sông La – Sông Lam – Sông Minh qua cống Trung Lương nên đã bị bom đạn Mỹ tàn phá. Vào những năm 1978-1980, Đền Cả còn bị lũ cuốn trôi và chỉ còn lại nền, chân móng cột.
      Được sự chỉ đạo của Sở Văn Hóa tỉnh Hà Tĩnh và nỗ lực của Thủ nhang, Pháp sư, đồng thầy Phạm Quang Hồng và nhân dân, Đền Cả Dinh Đô Quan Hoàng Mười chính thức làm khánh thành vào ngày 16.8.2014.
      Đền đã được UNESCO Việt Nam đã trao Chứng nhận Đền đạt tiêu chuẩn Tam Tứ Phủ. Đồng thời, Thủ nhang Phạm Quang Hồng cũng được trao bằng Chứng nhận Tôn vinh Nghệ nhân ưu tú Văn hóa dân gian.  

Vị trí tương quan đền Dinh Đô với Đền Củi và Đền Hưng Nguyên.

     Đây là 3 ngôi  đền thờ Quan Hoàng Mười trong khu vực chỉ cách nhau vài km, tạo thành một quần thể thờ Quan Hoàng Mười.
     Đền Dinh Đô được xây dựng vào năm 1060 thời nhà Lý theo sắc phong của vua Lý Thánh Tông. Đền Hưng Nguyên (Nghệ An) được xây sau 634 năm, tức năm 1634. Đền Củi được xây dựng vào cuối đời nhà Lê. Đền Củi trước đây gọi là Khu Độc Linh Từ thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, sau đó phối thờ thêm Quan Hoàng Mười. Như vậy, đền Dinh Đô có bề dày lịch sử hơn nhiều trăm năm so với Đền Củi và đền Hưng Nguyên.
     Nhưng trải qua, các cuộc chiến tranh, đền Củi hầu như còn nguyên vẹn, trong khi hai đền Hưng Nguyên và Đền Cả do thiên nhiên, do chiến tranh mà trở thành phế tích. Có thể vì thế, Đền Củi là trở thành một trung tâm thờ Quan Hoàng Mười nổi tiếng hơn hai ngôi đền mới được trùng tu lại.
Bến sông và toàn cảnh đền Dinh Đô
       Trong một bài văn cổ về Quan Hoàng Mười có câu:  "H..ò.ò.ò.. Sông Lam Hồng Lĩnh đẹp như tranh chứ tạo hóa xưa kia đã lập thành.. muôn thủa núi sông còn bền vững, đất Nam Đàn Nghệ Tĩnh vẫn còn xanh....".
     Có lẽ vì thế, có người suy luận rằng: Ông Mười đã hy sinh tại khu Đền Dinh Đô, thân xác trôi về Đền Củi và nơi quàn là Đền Hưng Nguyên. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một tài liệu nào đáng tin nói về điều này.
      Ngoài ra, có người còn lý giải Đền Cả có tên là đền Dinh Đô, bởi nơi đây là nơi ông đóng quân xưa kia.
      Nhưng dù sao chăng nữa, từ thời xa xưa nơi đây, cùng với Đền Củi và Đền Hưng Nguyên, Đền Dinh Đô đã tạo nên một cụm di tích thờ Quan Hoàng Mười đặc sắc và linh thiêng của vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh.

Điểm đặc sắc của Đền Dinh Đô

      Như chúng ta đã biết, Quan Hoàng Mười có nhiều hiện thân, nhưng có 3 hiện thân hay nhắc đến là Tướng Lê Khôi – Cháu vua Lê Lợi, Tướng quân Nguyễn Xí và Lý Nhật Quang - con vua Lý Thái Tổ. 
     Đền Hưng Nguyên, đền Củi thờ Quan Hoàng Mười với hiện thân tướng Lê Khôi.
      Đền Dinh Đô được coi là thờ chính của hai hiện thân Quan Hoàng Mười là Lý Nhật Quang và tướng Quân Nguyễn Xí.
     Nhưng tại Đền Dinh Đô hiện nay thờ tượng đủ cả ba hiện thân của Quan Hoàng Mười là Tướng Lê Khôi, Tướng Nguyễn Xí và Lý Nhật Quang. 
     Trong cung cấm của Đền Dinh Đô có thờ tượng Quan Hoàng Mười với kích thước gấp đôi người thật. Đây là ngôi tượng được dát vàng thật được chế tác từ làng Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội.

Tượng Quan Hoàng Mười tại Cung Cấm

     Trong quá trình đào móng trùng tu lại ngôi đền đã khai quật được một pho tượng đá cao gần bằng người thật là một chiến binh cầm chùy. Có lẽ đây là tượng của chiến binh bảo vệ ngôi đền. Hiện nhà đền vẫn giữ lại pho tượng quý này. 

Huyền tích về tướng quân Nguyễn Xí tại đền Dinh Đô

      Nguyễn Xí, một tướng giỏi dưới thời Vua Lê Thái Tổ, có công giúp vua dẹp giặc Minh, sau được giao cho trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Truyện kể rằng có một lần xảy ra cơn cuồng phong làm đổ hết nhà cửa, ông liền sai quân lên rừng đốn gỗ về làm nhà cho dân, rồi mở kho lương cứu tế. Trong một lần đi thuyền trên sông, đến đoạn chân núi Hồng Lĩnh, thì lại có đợt phong ba nổi lên, nhấn chìm thuyền của ông và ông đã hóa ngay trên ngã ba sông La, sông Minh giang và sông Lam nơi linh từ mỏ Hạc. 
Một góc cảnh sắc của Đền Dinh Đô
      Trong khi mọi người đang thương tiếc cử hành tang lễ, thì trời quang đãng, nổi áng mây vàng, bỗng thấy thi thể của ông nổi trên mặt nước nhẹ tựa như không, sắc mặt vẫn hồng hào tươi tắn như người đang nằm ngủ, khi vào đến bờ, đột nhiên đất xung quanh ùn ùn bao bọc, che lấy di quan của ông. Lúc đó trên trời bỗng nổi mây ngũ sắc, kết thành hình xích mã (có bản nói là xích điểu) và có các thiên binh thiên tướng xuống để rước ông về trời. Sau này khi hiển ứng, ông được giao cho trấn thủ đất Nghệ Tĩnh ngự trong phủ Nghệ An. Nhân dân suy tôn ông là Ông Hoàng Mười.

Lý Nhật Quang - Ngài là ai.

    Lý Nhật Quang nổi tiếng thông minh, 8 tuổi biết làm thơ, 10 tuổi tìm hiểu kinh sử. Ông được vua cha và hoàng tộc chăm lo dạy dỗ để sớm thành rường cột nước nhà.
    Năm 1039, Ngài được vua Lý Thái Tông cử vào thu thuế đất Nghệ An. Do sự trung thực, liên chính, Ngài được vua Lý Thái Tông tin cậy. Năm 1041, Lý Nhật Quang được phong tước hiệu Uy Minh Hầu trấn thủ đất Nghệ An. Ông có công lớn trong việc dẹp các băng đảng phản loạn trong vùng. Năm 1044, Ông được vua giao cho đánh dẹp Chiêm Thành, chém được đầu vua Chiêm là Sạ Đẩu. Ông được vua phong từ tước Hầu lên tước Vương.
    Ông có công lớn trong việc phát triển kinh tế, giữ yên lòng dân, chiêu dân, lập ấp; ông là sư tổ của nhiều ngành nghề trong vùng.
   Thần phả đền Quả Sơn viết rằng Lý Nhật Quang hi sinh trong trận chiến với giặc, bị chém ngang cổ nhưng đầu không lìa, đến núi Quả thì ngựa quỵ xuống, ông qua đời vào ngày 17 tháng 8 năm 1057.
    Sách Việt điện u linh tập chép rằng: Một tối ông thấy ba con quạ bay 3 vòng quanh ông rồi sà vào lòng biến thành tờ giấy trắng. Ông thiếp đi thì gặp thần sao Vũ Khúc mời về trời làm quan. Ông không bệnh mà mất.
     Lý Thái Tông phong Lý Nhật Quang từ tước Hầu lên tước Vương. Nhân dân suy tôn Lý Nhật Quang là "Thượng Thượng Thượng Đẳng thần".

Không gian thờ tự của Đền Dinh Đô

     Đền có một Tam Quan uy nghi soi bóng xuống ngã ba con sông luôn lờ lững như muốn minh chứng với lịch sử sự tồn tại vĩnh cửu của ngôi đền. Đi qua Tam Qua chúng ta bước vào sân ngôi đền khá rộng rãi với hòn non bộ sơn thủy hữu tình đầy bóng mát của tán lá xanh rờn.
    Qua khoảng sân này, chúng ta có thể bước lên sân đền chính.

Cung Tam Tòa Thành Mẫu tại Đền Dinh Đô

    Đền có 3 gian đại bái khá rộng rãi và Cung Cấm. 
    Gian Tiền Bái gồm 3 cung: Bên trái là Tứ Phủ Chầu Bà, cung giữa thờ Vua Cha bát hài và 3 hiện thân của Quan Hoàng Mười, bên phải là cung Tứ Phủ Quan Hoàng.
    Gian Trung Bái gồm 3 cung: Bên trái thờ Tam Vị Chúa Mường, giữa là cung Công đồng thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Ngũ Vị Tôn Ông...bên phải là cung Trần Triều.
    Gian Thượng Bái là nơi thờ Tam Tòa Thánh Mẫu và bà Lê Thị Ngọc Dung.
     Cung Cấm là tượng Quan Hoàng Mười.

Sự linh thiêng của ngôi đền

         Nhân dân quanh vùng cho rằng đây là một ngôi đền thiêng. Trước đây, sau trận lũ lụt ngôi đền bị tàn phá, ngôi đền có đôi voi ngựa còn trơ lại. Chính quyền đã cho chuyển đôi voi ngựa này về một ngôi đền trong làng. Không biết có phải do ngẫu nhiên hay không, nhưng sau này vị chính quyền chỉ huy và một số người tham gia chuyển tượng đã lần lượt mất sớm vì nhiều lý do khác nhau. Thậm chí, mấy công nhân được nhờ cầu hộ tượng cũng đã bị bắt sau đó ít ngày vì tôi đánh bạc. Hiện nay, đôi voi ngựa vẫn nằm tại ngôi đền kia, nhưng không ai dám đưa trở lại Đền Dinh Đô nữa.

Tam Quan Đền Dinh Đô vào chiều tà

        Cũng có nhiều người sinh nở muộn có đến hàng chục năm, đến đây cầu xin cũng đã có con. Có thể đây là chuyện ngẫu nhiên. Nhưng dù sao nó cũng phản ánh một phần nào thú vị về tâm linh của ngôi đền.

Sự mến khách của nhà đền

       Trong đền cũng đã có một số dịch vụ phục vụ tâm linh cho bà con đến lễ. Tuy nhiên, hiện tượng chặt chém hay chèo kéo không xảy ra ở nơi đây. Các hộ kinh doanh nơi đây luôn được chính quyền và nhà đền giám sát chặt chẽ. Nhà đền khá chu đáo cho khách thập phương đến lễ, không thu tiền cung đối với các canh hầu.