Trang

Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

Đền Cửa Ông

       Đền Cửa Ông thuộc địa phận phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đền Cửa Ông thờ phụng Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật nổi tiếng thời nhà Trần.

Đường lên Đền Thượng khu Đền Cửa Ông

       Đền Cửa Ông là ngôi đền duy nhất ở Việt Nam thờ đầy đủ tượng gia thất Trần Quốc Tuấn và các tướng lĩnh nổi tiếng của Ngài.  Đó là các tượng của Trần Quốc Tuấn, tượng Thánh Mẫu (vợ ông) 2 cô công chúa (con ông), Trần Quốc Tảng, vua Trần Anh Tông cùng các tướng nổi tiếng Trần Khánh Dư, Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Lê Phu Trần, Đỗ Khắc Trung,… Sở dĩ nơi đây có phối thờ vua Trần Anh Tông là vì Trần Quốc Tảng là bố vợ của Trần Anh Tông.  Chính vua Trần anh Tông đã phong Trần Quốc Tảng là Hưng Nhượng Đại Vương.

Tượng Trần Quốc Tảng tại Quảng trường Trần Quốc Tảng

       Đền Cửa Ông cùng với Đền Cặp Tiên thờ Cô Bé Cửa Suốt tạo thành một quần thể tâm linh thờ nhà Trần tại vùng đất kinh thiêng này. Cô bé Cửa Suốt cũng chính là con gái của Trần Quốc Tảng. Cô rất có công giúp Trần Quốc Tảng đánh giặc, gìn giữ biên cương, vùng biển của tổ quốc.

Đường lên khu Đền Thượng

Lịch sử tóm tắt về Đức Ông Trần Quốc Tảng


        Trần Quốc Tảng là con thứ ba của Trần Hưng Đạo. Ông có tài chiến đấu, nhưng là người có cá tính riêng, đã làm cho cha phải bất bình, đày ông ra trấn thủ tại Cửa Suốt. Đền Cửa Ông xưa kia là nơi đóng quân bảo vệ biên cương, vùng biển của Trần Quốc Tảng và cũng là nơi Ngài hóa.

Không gian phía trước Đền Thượng đó là quảng trường, bãi xe và khu Đền Hạ

       Truyền thuyết kể rằng: Vì mối hận riêng với vua Trần nên An Sinh Vương Trần Liễu từng trăng trối với Trần Quốc Tuấn là phải lấy được thiên hạ. Sau này, Trần Quốc Tuấn đem hỏi gia tướng và các con ý này, mọi người đều can ngăn. Riêng Trần Quốc Tảng lại bảo: “Tống Thái Tổ là một ông lão làm ruộng mà thừa cơ dấy vận có được thiên hạ”. Trần Quốc Tuấn giận, rút gươm định chém, nhờ Quốc Nghiễn xin tha mới thôi…Trong sử sách có ý kiến cho Trần Quốc Tảng vì thế bị “đày” ra trấn ải vùng Cửa Suốt.

Khu nhà bia ghi danh công đức

      Thế nhưng có nhà nghiên cứu cho rằng: Cửa Suốt là khu vực trọng yếu mà lại rất xa, nếu bất trung mà đuổi ra đây thì không xác tín, mà phải rất tin tưởng mới cử ra, lại phải tài, đại tài nữa.

Trước của Đền Thượng lúc nào cũng đông nghịt.

      Quả thực, lúc sinh thời, khi định công dẹp giặc Nguyên, ông được phong làm Tiết độ sứ, chức quan võ rất to; con gái trưởng được lập làm phi cho thái tử, sau trở thành hoàng hậu của vua Trần Anh Tông. Sau khi mất, ông được truy tặng làm Thái úy (vương triều Trần chỉ có 5 người được phong chức này). Ông cũng từng được phong Đại tướng – tước vị cao nhất dành cho tôn thất nhà Trần, sau khi ông không quản “tuổi cao, sức yếu” cầm quân dẹp phản loạn.

Khu Chùa Thượng kế bên Đền Thượng

     Như vậy cho thấy ông có vị trí đặc biệt trong triều đình nhà Trần từ đời vua Trần Anh Tông trở về sau.  biên viễn.
       Dân gian nơi đây còn truyền tụng về sự hóa của Ông:  Một ngày tại biển Cửa Suốt, tự nhiên trời mưa to gió lớn sấm sét nổi lên ầm ầm. Ông đang đi tuần trên biển, thấy có một phiến dã to nổi lên, liền ngang nhiên ngồi lên trên đá. Sóng nổi cuồn cuộn, mực nước dâng lên cao  nhưng phiến đã vẫn nổi trên mặt nước, chở che ông đi, đè đầu những ngọn sóng. Khi mưa gió yên, dân chúng không thấy ông đâu nữa, mà trên phiến đá chỉ có một cái mũ, liền rước về thờ, lập miếu và tâu lên triều đình. Đó là ngày 16 tháng 8 năm 1311, từ đó ngày này được xem là ngày hóa của ông.
Lăng mộ Trần Quốc Tảng phía sau Đền Thượng
       Theo các nhà nghiên cứu thì cho rằng Ngài hóa chính tại mảnh đất của ngôi đền này. Còn câu chuyện trên chỉ là dân gian thần thánh hóa về Ngài.

Lịch sử đền Cửa Ông

       Vị trí Đền Cửa Ông ngày nay, trước đây là Miếu Hoàng thờ Hoàng Cần, người địa phương có nhiều công đánh giặc cướp, được các triều vua phong "Khâm sai Đông Đạo Tiết chế". Sau khi Trần Quốc Tảng mất, vua Trần Anh Tông đã cấp tiền cho dân chúng lập đền thờ Ông tại nơi đây. 

Một góc quảng trường dưới chân Đền Thượng

        Như vậy, Đền Cửa Ông có từ thời vua Trần Anh Tông. Đến đầu thế kỷ 19, ngôi đền đã được trung tu mở rộng với ba khu: Đền Hạ, Đền Trung và Đền Thượng. Đền Hạ và Đền Trung đã bị bom Mỹ phá hủy. Đền Hạ đã được phục dựng đã lâu, đền Trung mới được phục dựng lại gần đây.    

Không gian kiến trúc, tâm linh đền Cửa Ông

       Cụm di tích Đền Cửa Ông gồm 3 khu: 
       - Khu Chùa Hạ, đền thờ Trung Thiên Long Nữ (đền Hạ) 
       - Khu Đền Cửa Ông: Gồm Đền Trung và Đền Thượng, chùa Thượng, lăng mộ Trần Quốc Tảng. 
       - Khu Quảng trường Trần Quốc Tảng.
      Trước đây, khu chùa Hạ - đền Trung Thiên Long Nữ và khu Đền Cửa Ông được tách riêng biệt với nhau. Hiện nay, cả hai khu này được thống nhất làm một, tạo thành quần thể di tích Đền Cửa Ông.

Đền Trung mới được xây dựng dưới chân Đền Thượng

        Đền Cửa Ông được quy hoạch lại tạo nên một không gian rộng rãi, thoáng đãng, không còn hàng quán như ngày xưa. Con đường ngày xưa ngay phía sau lưng Đền Cửa Ông đã bịt lại. Một con đường nhựa rộng rãi khác vòng qua nơi Quảng trường Trần Quốc Tảng đi đến trước mặt ngôi đền được xây dựng. 

Một góc Quảng trườngTrần Quốc Tảng
        Hiện nay, các hàng quán vàng mã bên con đường xưa kia, trong  sân đền cũng đã được dẹp bỏ. Vì vậy, khu đền đã rộng rãi càng thêm thoáng đạt, tĩnh mịch, linh thiêng. Đến nơi đây, chúng ta cảm thấy tâm hồn bồng bềnh trong một không gian thư thái, êm đềm.

Một góc Quảng trường Trần Quốc Tảng

      Khu Đền Thượng tọa lạc trên một ngọn đồi cao khoảng 100 mét nhìn xuống vịnh Bái Tử Long. Hai bên có hai ngọn đồi nhỏ hộ vệ, phù hợp với quy tắc Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ, sau lưng đền là dãy núi xanh chạy dài qua Cẩm Phả, Mông Dương. 
     Phía trước đền Thượng là một quảng trường với một tam quan sừng sững cùng khu Đền Hạ. 
     Bên phải khu đền Thượng là quảng trường Trần Quốc tảng với tượng của Trần Quốc Tảng uy nghi giữa trời xanh.