Trang

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

Đền Chầu Lục

        Đền Chầu Lục hay còn gọi là Đền Chín Tư, Đền Chầu Sáu Lục Cung tọa lạc ở thôn Chín Tư, xã Hòa Lạc, Hữu Lũng, Lạng Sơn. Đền Chầu Lục là nơi thờ chính của Chầu Lục và Cô Sáu Lục Cung. Đền Chầu Lục nằm cách Hà Nội 80 km. Đền Chầu Lục nằm cách Đền Quan Giám Sát Đệ nhị khoảng hơn 500 m, tạo nên một cụm di tích tâm linh.
Tam Quan Đền Chầu Lục

Lịch sử đền Chầu Lục

     Đền Chầu Lục tại đây là nơi hạ phàm và cũng là nơi hiển thánh của Chầu Lục. Hiện nay cũng chưa rõ Đền Chầu Lục chính xác có từ bao giờ. Tuy nhiên, có tài liệu cho rằng, đền có từ thời Lê Trung Hưng.

Tam Quan Đền Chầu Lục nhìn từ trong sân đền ra
      Đền Chầu Lục đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nên đền đã khang trang, tố hảo rất nhiều. Hiện Đền Chầu Lục là một ngôi đền đẹp.

Không gian kiến trúc Đền Chầu Lục

      Hiện nay, đường vào Đền Chầu Lục quá dễ dàng, từ đường quốc lộ 1A vào chỉ khoảng 2 km. Thông thường, trước khi chúng ta vào viếng thăm Đền Chầu Lục, chúng ta thường ghé vào thăm Đền Quan Giám Sát. Từ Đền Quan Giám Sát vào Đền Chầu Lục chỉ còn hơn 1 km.

Lầu Cậu và Lầu Cô Bé Cây Thị

     Đền Chầu Lục nằm trên một ngọn đồi. Trước cửa đền là cổng Tam quan. Để lên được cửa đền chúng ta phải leo lên chừng hơn 30 bậc.
Lầu Cô Chín
     Chúng ta đi qua Tam Quan là đến khoảng sân của ngôi đền. Khi đó bên phải chúng ta là Lầu Cậu và Lầu Cô Bé Cây Thị. Cô bé ở đây là Cô Bé bản đền. Có lẽ gọi Cô bé là Cô Bé Cây Thị vì lầu cô nằm dưới gốc cây thị có độ tuổi đến hàng trăm năm, quanh năm xanh rì. Bên trái là Cung Cô Chín tối linh. Đây là các công trình mới tu bổ gần đây.
       Bên trái đền chính là Lầu Cô Sáu Lục Cung. Phía trước Tiền Bái của đền là cây hương ngoài trời.
Bên trái là Lầu Cô Sáu, bên phải là Tiền Bái của Đền Chầu Lục
       Đền Chầu Lục gồm ba gian: Tiền bái, trung bái và đại bái. Chính giữa tiền bái là Ban Công Đồng. Ban Công Đồng có sự phối thờ Ngọc Hoàng, quan Nam Tào, quan Bắc Đẩu với tượng của Ngũ Vị Tôn Ông.

    
      Bên trái Tiền bái là Cung Tứ Phủ Quan Hoàng với sự phối thờ của 4 vị Quan Hoàng gồm: Quan Hoàng Cả, Hoàng Đôi, Hoàng Bảy, Quan Hoàng Mười.
Ban Tứ Phủ Quan Hoàng
      Bên phải Tiền bái là Cung Trần Triều với tượng của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Cung Trần Triều
       Gian trung bái gồm có 3 cung: Bên phải là Ban Chầu Năm với tượng của Chầu Năm, chính giữa là Ban Tam Tòa Thánh Mẫu, bên phải là Ban Sơn Trang.
         
Gian trung bái của Đền Chầu Lục
      Gian đại bái là cung thờ Chầu Lục với tượng Chầu Lục. Chầu mặc áo tím, trông phúc hậu, nhân từ.

Thần tích Chầu Lục

       Chầu Lục là chầu đứng thứ sáu trong Tứ Phủ Thánh Chầu. Chầu Lục còn gọi là Chầu Lục Cung Nương hay Chầu Sáu Lục Cung. Chầu Lục vốn là người Nùng.Vì vậy, Chầu Lục còn gọi là Mế Lục Cung Nương.
Sân đền Chầu Lục nhìn từ trong đền ra
       Tương truyền, chầu vốn là tiên nữ trên Thiên Đình, chẳng may để rơi chén ngọc nên bị trích giáng xuống trần gian. Chầu giáng sinh vào gia đình có cha họ Trần, mẹ họ Hoàng vốn là lệnh tộc ở thôn Chín Tư ngày nay.
       Có tài liệu cho rằng Chầu Bà giáng sinh vào nhà họ Quách được đặt tên là Quách Thị Hồng Hoa. Hồng Hoa lưu trên trần gian được 19 năm thì mãn hạn về chầu Đế Đình.  Nhưng vì chầu còn thương nhớ phụ mẫu nơi trần gian nên Ngọc Đế cho bà hiển thánh, cai giữ miền non ngàn sơn trang, nơi rừng Chín Tư, Hữu Lũng.

Tượng Chầu Lục tại đền Chầu Lục

       Truyền thuyết kể rằng Chầu Lục thường hay hiển ứng giúp dân làm trồng trọt. Tuy anh linh nhưng bà cũng rất đành hanh. Ngày xưa, chầu thường cùng các bạn tiên nàng giả làm các cô gái người Nùng, bán hàng, ung dung cợt khách qua đường.
       Chầu Lục cũng là một trong các vị chầu danh tiếng trên ngàn có lẽ bởi vì chầu rất hay bắt đồng. Cũng như Chầu Đệ Nhị, người ta cũng thường hay thỉnh Chầu Lục về ngự đồng. Đôi khi Chầu Lục lại là giá chầu về sang khăn cho đồng tân lính mới và chứng đàn Sơn Trang trong lễ mở phủ. Chầu Lục cũng có thể chứng mâm giầu trình. Khi ngự đồng, chầu mặc áo màu lam (hoặc màu chàm xanh), khai cuông rồi múa mồi.

Thần tích Cô Sáu Lục Cung.

      Tương truyền Cô Sáu là thánh cô người Nùng. Cô sinh ra và hóa cũng ở vùng đất này. Thủa sinh thời, cô Sáu là người con gái xinh đẹp, nết na có biệttài chữa bệnh. Cô thường đi khắp rừng sâu núi thẳm để hái thuốc chữa bệnh, cứu người. Vậy nên, sau khi Cô hóa, Cô được muôn dân tôn là tiên cô. Vì vậy, ai có bệnh thường đổ về cửa cô để xin thuốc tiên.

Cung Cô Sáu Lục Cung
       Trong Tứ Phủ cho rằng Cô Sáu là hầu cận của Chầu Lục. Tuy nhiên, nhiều tài liệu cho rằng ngoài hầu cận Chầu Lục,  Cô Sáu còn hầu Chúa Sơn Trang nên Cô Sáu Lục Cung còn gọi là Cô Sáu Sơn Trang.
       Đền Chầu Lục còn là nơi thờ chính của Cô Sáu Lục Cung. Cô Sáu Lục Cung cũng được phối thờ khá nhiều tại các đền phủ trong nước.

Tượng Cô Sáu Lục Cung tại Cung Cô Sáu

Ngày tiệc Chầu Lục

      Trong năm ngày tiệc Chầu Lục có hai ngày là ngày 10/5 âm lịch (có người nói đó là ngày đản sinh của chầu nhưng điều này cũng chưa chắc chắn) và ngày 20/9 âm lịch (có người cho đó là ngày hóa, có người lại cho rằng đó mới là ngày đản sinh của chầu chứ không phải là 10/5 âm lịch).