Trang

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

Đền Cấm Tuyên Quang

       Đền Cấm Tuyên Quang tọa lạc xóm 16, xã Tràng Đà, Tuyên Quang. Đền Cấm Tuyên Quang còn gọi là Đền Núi Cấm bởi ngôi đền nằm ngay dưới núi Cấm. Đây là một ngôi đền độc đáo, linh thiêng, cảnh đẹp sơn thủy hữu tình.

Đền Cấm Tuyên Quang
       Đền Cấm thờ Mẫu Thượng Ngàn và nơi đây cũng là ngôi đền độc đáo thờ Thần Xà. Đền Cấm nằm cách trung tâm thành phố Tuyên Quang chừng 4 km. Cùng với Đền Thượng (đền Núi Dùm) tạo thành một cụm di tích tâm linh linh thiêng cỡ nhất vùng Tuyên Quang. Đền được công nhận di tích lịch sử tâm linh cấp tỉnh năm 2007.

Lịch sử Đền Cấm Tuyên Quang

       Vào đầu thế kỷ 20, ngày đó, rừng rú hoang rậm, thú rừng thường xuyên tìm về quấy phá cuộc sống người dân. Có cụ Nguyễn Hữu Chu là người ở nơi đây thường xuyên vào chân núi Cấm khai phá, trồng trọt.
Thế nhưng, ruộng nương thì bị khỉ, lợn rừng phá; lợn, gà, dê, bò thì bị hổ vồ. Ông cụ Chu đã dựng lên một ngôi miếu nhỏ ở chân núi Cấm để thờ thần rừng, thần núi, cốt thú rừng đỡ phá phách. Ngôi miếu rất đơn sơ, chỉ gồm 4 cây tre và mấy tấm ván gỗ làm mái. Bên trong ngôi miếu có bát hương. Điều kỳ lạ, là từ khi ngôi miếu lập nên, thú rừng không về phá phách cuộc sống người dân ở chân núi Cấm nữa.

Thần Xà ở mỏm "Non bộ" tự nhiên tại Đền Cấm


         Ông cụ Chu làm nghề đông y, nên nhiều người bệnh tìm đến để được ông chẩn bệnh, bốc thuốc. Không rõ do ngôi miếu linh thiêng, hay tài bốc thuốc, mà nhiều người khỏi bệnh. Ngoài việc nhiều người tìm vào tài bốc thuốc của cụ Chu, thì nhiều người đồn thổi ngôi miếu ở chân núi Cấm linh thiêng, nên tìm đến cầu cúng rất đông.

        Vì ngôi miếu nhỏ nổi tiếng quá, nên người ta tìm đến hầu đồng. Tuy nhiên, cụ Chu là người ghét mê tín dị đoan, nên đã cấm tiệt những trò đồng bóng. Cụ vốn đặt tên ngôi miếu là Xâm Lĩnh Linh Từ, nhưng vì cấm trò đồng bóng, nên đổi tên ngôi miếu thành Miếu Cấm. Sau này, sau nhiều lần tu bổ ngôi miếu trở thành ngôi đền khang trang, tố hảo như hôm nay. Đền Cấm có tên từ đó.

Thần Xà trong Đền Cấm
        Điều kinh ngạc, là từ khi xuất hiện ngôi miếu nhỏ, thì rắn ở khắp nơi tìm về quả núi này. Rất nhiều loài rắn, loài trăn mò về ngôi miếu trú ngụ. Chúng không chỉ phơi nắng trên các mỏm đá, mà còn thường xuyên bò vào trong đền, quấn trên xà nhà. Chúng rất hiền lành, chưa tấn công ai bao giờ. Chúng cứ ở trong đền, mặc người vào ra, cúng bái, hành lễ. Nhiều khi, chúng ở trong đền vài tiếng, rồi mới lại thong thả bò vào núi và trốn vào hang sâu.
       Ngày trước, rắn về nhiều đến mức, có nhiều lần người đến miếu, thấy bát hương cứ lục ục, rồi những chiếc nón treo trên mái đền đong đưa, hóa ra rắn bò lổm ngổm ở trong.
      Cũng vì ngôi miếu có “xà thần”, nên khách thập phương tìm đến lễ và cúng tiến để miếu thờ rắn, đắp cả tượng rắn rất lớn.
      Cũng chính vì vậy, ngôi đền ngoài việc thờ Mẫu Thượng Ngàn thì cũng là nơi thờ Thần Xà.

Không gian kiến trúc Đền Cấm Tuyên Quang     

        Ngay trên tam cấp lên đền là hòn "non bộ " tự nhiên với ông Thàn Xà to lớn nửa trên mỏm đá, nửa trong hang thật uy linh. Ngay trong đền có một chiếc giếng nhỏ gọi là giếng Cô. Giếng Cô quanh năm không bao giờ cạn. Người dân ở đây truyền nhau rằng: Ai uống nước giếng Cô thì sẽ luôn khỏe mạnh.
        Gian giữa đền Cấm đặt tượng Bà chúa Thượng ngàn gọi là Lâm Cung Thánh Mẫu, phía trước có hai trụ biểu. Phía trên án thờ treo bức đại tự Linh Lâm Miếu bằng gỗ. Tiếp đến là bức cuốn thư với ba chữ “Tối linh từ”. Trước án đặt hai bức tượng ở thế đứng, kích thước như người thực, mặc võ phục, tay cầm kiếm. Đó là tượng Khuyến thiện và Trừ ác. Hai vị đứng đó như khuyên bảo khách thập phương hãy vứt bỏ tà tâm, giữ lòng thanh bạch trước khi bước vào cõi linh thiêng này.
       Bà Chúa Thượng ngàn tạc ở tư thế ngồi, đầu đội mũ tì lư, khoác áo choàng màu xanh của núi rừng. Khuôn mặt bà chúa toát lên vẻ vị tha, nhân ái. Phía dưới án là ban thờ ngũ hổ tướng quân, oai phong lẫm liệt, 

Những câu chuyện linh thiêng về Thần Xà ở Đền Cấm Tuyên Quang

       Đền Cấm Tuyên Quang quá nổi tiếng về các câu chuyện linh thiêng về thần thần xà (thần rắn). Leo hết bậc tam cấp để lên đền chúng ta bắt gặp ngày một vách núi. Dưới chân vách núi là mỏm đá nhô lên như hòn non bộ nhân tạo, án ngữ trước Lầu Cô Bơ, chúng ta đều phải dựng tóc gáy bởi con rắn khổng lồ, thân to bằng cái phích, bành mang với vẩy tua tủa sau đầu, mắt mở thao láo nhìn xuống phía chân núi. Con rắn bằng bê tông ấy được đắp giống hệt rắn thật, chui từ trong hõm núi ra, thân quấn quanh mấy khối đá, rồi dựng đầu lên. Nhiều người nhìn thấy “ông rắn” ấy, thì chắp tay, khom người, cúi đầu vái lia lịa, rồi khói hương nghi ngút dưới chân rắn. 
       Người ta đồn thổi rằng nhiều người hiếm muộn, chữa trị, bệnh viện chục năm không ăn thua, đến cầu “ngài”, thế mà mấy tháng sau đã thấy sắp lễ tạ ngài vì mang bầu. Hay cầu xin đỗ đại học, cầu phát đạt thì đều được. 


       Người dân ở đây bảo rằng, không chỉ “báo oán” những khách vãng lai qua đền xúc phạm “rắn thần”, mà ngay cả những người trong xóm 16, thuộc xã Tràng Đà cũng không ít lần mạo phạm bị “thần rắn” hành cho khổ sở. 
       Bà Tự, người dân trong xóm kể rằng, cách đây chừng chục năm, chồng bà lên núi Cấm lấy củi, thì gặp rắn lạ to bằng cái điếu cày, đầu đỏ, đuôi đỏ thẫm nằm phơi nắng trên mỏm đá. Chồng bà vốn chả mê tín, không tin chuyện “thần xà”, nên ông rút que củi dài, to bằng bắp tay vụt một nhát rất mạnh vào sống lưng “ngài”. 
       Bình thường, một cú vụt trúng sống lưng như thế, thì rắn to cỡ nào cũng gãy xương sống mà quằn quại, không chạy được, nhưng đằng này, con rắn lạ ấy chẳng hề gì. Mặc cho ông vụt tới tấp, con rắn vẫn bình tĩnh như không, chậm chạp trườn vào trong hốc đá và mất tích. 
       Điều kỳ dị, là đêm hôm ấy, chồng bà Tự không ngủ được, cứ mơ thấy rắn quấn quanh người. Sáng ra, toàn thân ông cứng đờ, không dậy nổi, cứ nằm bất động. Ông kêu lưng đau như gẫy xương, không thể cong lưng ngồi dậy. 
       Gia đình hãi quá, thuê xe đưa ông xuống bệnh viện tỉnh. Điều kỳ lạ là dù chiếu chụp kiểu gì cũng không phát hiện ra bệnh. Nghe chồng kể chuyện hôm trước lên núi gặp loài rắn mà dân cư trong vùng vẫn gọi là “ngựa ngài”, là “thần xà”, ông có dùng gậy đập cho ngài mấy cái, bà Tự mới hoảng hồn khóc lóc thở than. 
       Bà Tự tin rằng “thần xà” đã “báo oán”, nên ngay lập tức bà sắm lễ lớn, đến đền Cấm xin “ngài” thứ lỗi cho ông chồng có mắt mà không nhìn thấy thánh thần. Điều kỳ lạ, là cúng xong, thì nhận ngay được điện thoại của con cái, thông báo tự dưng chồng bà ngồi dậy được, đi lại như thường, không kêu đau lưng gì nữa.
     Còn rất nhiều những lời đồn rợn người liên quan đến loài rắn ở núi Cấm này. Lời đồn kinh dị nhất là cái chết của ông S., thợ bắt rắn, người xóm bên. Ông S. đã tóm được con rắn lạ có đầu đỏ, đuôi đỏ ở núi Cấm, liền cho vào bao xách ra chợ bán. Khách đến mua rắn, ông S. đổ con rắn ra. 
       Vừa trút con rắn ra, thì cả ông S. và người mua rắn đều táng đởm kinh hồn, khi con rắn ông bắt được chuyển màu đỏ lòm như máu từ đầu đến đuôi, đôi mắt như hòn than tóe lửa và cái mào mọc lên đỏ lòm như mào gà chọi. Mọi người đều tin con rắn đã hóa “thần xà”. 
        Cả ông S., người mua rắn và những người trong chợ nháo nhào, bỏ chạy. Lát sau, mọi người mò đến, thì không thấy con rắn đâu nữa. Sau hôm đó, ông S. ốm nặng, rồi thời gian sau thì qua đời.
       Bà Nguyễn Thị Báu, nhà ở chân núi Cấm thì kể chuyện về anh Cường, sinh năm 1973, người cạnh nhà bà. Anh này cũng chẳng biết sợ ma quỷ, thánh thần, nên mặc ai khuyên can, tóm ngay con rắn lạ ở đền Cấm, to bằng cổ tay. Anh này cho vào túi vải, treo lên dây thép phơi quần áo ở ngoài sân, để hôm sau làm thịt mời bạn bè trong xóm đến nhậu. 
        Hôm sau, khi mở túi vải, thì điều kinh dị xảy ra trước mắt: Con rắn không thấy đâu, mà chỉ có con lươn đen sì, to bằng cổ tay. Anh Cường hãi quá, liền thả con lươn xuống hồ, rồi ốm bẹp giường chiếu cả tháng. Người nhà đã mời thầy, làm lễ rất nhiều lần ở đền Cấm, nhưng anh Cường  vẫn không được tinh khôn, nhanh nhẹn như xưa.

Đặc sản của vùng Đền Cấm Tuyên Quang

        Du khách đến Đền Cấm Tuyên Quang không chỉ chiêm ngưỡng, ngắm cảnh đền với dải núi non trùng điệp mà còn rất thích mua những sản vật của địa phương như: Mật ong rừng, măng khô, nấm hương, phấn hoa, gà chọi, gà mèo, gà tre, lợn lửng, cua đá, cơm lam, gạo nương; các loại rượu thuốc ngâm rễ mật gấu, sâm cau, sâm cò khỉ, tầm gửi nghiến. Nơi đây, còn có một đặc sản mà không nơi nào có đó là bánh củ chuối rừng được làm từ tinh bột củ chuối rừng trộn thêm bột gạo nếp. Nhân bánh có đỗ xanh, cùi dừa nạo, thêm một ít thịt mỡ luộc tẩm đường phơi khô. Ăn bánh có vị chua, ngọt, thơm của chuối rừng, ngậy bùi của nhân bánh. Đây là một loại bánh rất được các du khách ưa thích.