Trang

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2016

Quan Lớn Đệ Nhất

       Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên được thờ tại Đền Quan Lớn Đệ Nhất, thuộc quần thể di tích lịch sử văn hóa Đền Vua Cha Bát Hải Đồng Bằng, ở xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.  Đền Quan Lớn Đệ Nhất nằm ở ngay sát Đền Đồng Bằng thờ Vua Cha Bát Hải và còn gọi là Đền Quan Đệ Nhất Linh Từ

        Quan Lớn Đệ Nhất là quan đứng đầu trong Ngũ Vị Tôn Ông nên còn được gọi là Đệ Nhất Tôn Quan hay Đệ Nhất Tôn Ông. Quan lớn vốn là con trai cả của Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình, được  cai quản Thượng Thiên nên còn gọi là Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên.

Đền Quan Lớn Đệ Nhất

        Ông được coi là  Tôn Quan Đại Thần trên Đế Đình Thiên Cung, được sắc phong ngôi Thượng Thiên Nhất Phẩm Công Hầu, quản cai tam giới đình thần văn võ.
        Quan Lớn Đệ Nhất không giáng trần sau khi làm nhiệm vụ đánh đuổi giặc ngoại xâm nên ông hầu như không có đền thờ vọng khác. Vì vậy, Đền Quan Đệ Nhất nơi đây được coi là nơi đèn thờ chính. Tuy vậy, trong cung thờ Ngũ Vị Tôn Ông, Quan hầu hết được thờ. Ông thường mặc áo bào đỏ, đội mũ cánh chuồn và ngồi giữa trong cung Ngũ Vị Tôn Ông. 
        Theo thần tích của ngôi đền, thì ngôi đền này đã có từ thời Vua Hùng, nhưng trải qua các thời kỳ thì ngôi đền chỉ còn dấu tích. Thời gian gần đây, ngôi đền mới được xây dựng lại khang trang, to đẹp hơn rất nhiều. Tương truyền Đền Quan Lớn Đệ Nhất ngày nay là nơi Quan Lớn Đệ Nhất thường xuyên lui về nghỉ ngơi sau những ngày lo toan công việc trong triều đình thời bấy giờ.
        Quan Đệ Nhất hầu như rất ít khi ngự đồng. Quan chỉ ngự đồng trong những dịp có đại sự như: Mở phủ, tạ phủ, hầu xông đền xông điện. Khi ngự đồng, ông mặc áo đỏ thêu rồng, hổ phù; làm lễ tấu hương, khai quang, chứng sớ điệp trạng mã.

        Truyền thuyết về  Quan Lớn Đệ Nhất

        Theo như thần tích Đền Đồng Bằng: Khi có giặc ngoại xâm, Hùng Duệ Vương đã sai sứ giả về Hoa Đào Trang để truyền chỉ dụ triệu kỳ nhân dẹp giặc. Lúc đó có một Hoàng Xà hiện ra rồi bỗng hoá thành 1 chàng trai lực lưỡng, tuấn tú hơn người chính là Phạm Vĩnh, hay còn gọi là Vĩnh Công, tức Vua Cha Bát Hải Động Đình. Ngài nhận chỉ dụ, nhờ sứ giả báo với Vua Hùng là sẽ tuyển 10 tướng, chiêu mộ binh sĩ trong 10 ngày, rồi xuất quân đánh giặc trên cả 8 cửa biển nước Nam, hứa sau 3 ngày là giặc tan. Tương truyền ngay ngày tuyển mộ đầu tiên, Vĩnh Công đã chọn được 3 tướng là Quan Lớn Đệ Nhất, Quan Đệ Tam và Quan đệ Tứ, và sau 10 ngày thì chon đủ được 10 tướng. Trên 2 mũi tấn công chủ yếu bằng đường thuỷ của giặc phương Bắc là cửa sông Cái và cửa sông Bạch Đằng. Vĩnh Công đã cùng Quan Lớn Đệ Nhất chặn giặc ở cửa sông Cái, Quan lớn đệ Tam cùng Quân sư Nuồi và quan đệ Ngũ chặn giặc tại cửa sông Bạch Đằng, Quan Điều Thất phụ trách ứng chiến và phối hợp tác chiến cùng các cánh quân chặn giặc đường bộ của Sơn Thánh, các vị Quan lớn khác đều được phân công đánh giặc trên 6 cửa biển khác của Nước Nam. Đúng hẹn 3 ngày, Vĩnh Công cùng tướng sĩ đánh tan giặc dữ trên cả 8 cửa biển, đất nước trở lại thanh bình.