Trang

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Phủ Tây Hồ

      Phủ Tây Hồ thuộc thôn Tây Hồ, nay là phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Phủ Tây Hồ cách trung tâm Thủ đô khoảng 4km về phía Tây. Phủ nằm trên bán đảo lớn của làng Nghi Tàm, nhô ra giữa Hồ Tây, trước là đất của một làng cổ của kinh thành Thăng Long nằm ở phía Đông của hồ Tây nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ - Hà Nội.

      Thần tích về Phủ Tây Hồ




     Phủ Tây Hồ thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh - là Thần chủ của Đạo Mẫu ở Việt Nam là một trong tứ bất tử của Việt Nam (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh). Tục truyền rằng: Bà là Quỳnh Hoa - con gái thứ hai của Ngọc Hoàng, bị đày xuống trần gian vì tội làm vỡ cái ly ngọc quý. Xuống hạ giới, nàng chu du, khám phá khắp mọi miền, qua đảo Tây Hồ dừng lại, phát hiện ra đây là nơi địa linh sơn thủy hữu tình, bèn lưu lại mở quán nước làm cớ vui thú văn chương giữa thiên nhiên huyền diệu.
     Người tiên nữ ấy đã ngang dọc một trời giúp dân an cư lập nghiệp, diệt trừ ma quái, trừng phạt tham quan. Đến triều Nguyễn bà được nhà vua phong “Mẫu Nghi Thiên Hạ”, là một trong bốn vị thần “Tứ bất tử” của Việt Nam.
     Cũng theo truyền thuyết, Phủ Tây Hồ là nơi hội ngộ lần thứ hai của công chúa Liễu Hạnh và trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Như tiền duyên xui khiến, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan trong lần đi thuyền dạo chơi trên hồ, thấy cảnh đẹp, bèn ghé vào quán Tiên chúa. Tâm đầu ý hợp, họ cùng vịnh bài thơ “Tây Hồ ngự quán” mà nay vẫn còn lưu truyền mãi. Tiên chúa ở đây trong bao lâu không ai biết, chỉ biết khi Phùng Khắc Khoan trở lại tìm thì không còn. Để nguôi ngoai nỗi nhớ, ông cho lập đền thờ người tri âm. Cái xuất xứ ly kỳ của phủ Tây Hồ là thế.